Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả

Đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp; gần hai triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; nhiều lao động di cư trở về quê, khiến quan hệ cung-cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại.
Giờ làm việc của công nhân Công ty đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)
Giờ làm việc của công nhân Công ty đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)

Ðồng thời, đại dịch cũng làm lộ rõ hơn những điểm yếu lâu nay của thị trường lao động Việt Nam, đó là những giải pháp căn cơ lâu dài để khắc phục tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động, khan hiếm lao động trình độ cao; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, dự báo nhu cầu kỹ năng tương lai; giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...

Với thực tế này, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. Nghị quyết chỉ rõ, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao…

Ðể xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Với quan điểm phải tập trung triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng chính sách việc làm gắn quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch kinh tế-xã hội và bố trí đầu tư; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia vào thị trường lao động; Nhà nước tạo dựng cơ chế bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bao trùm để người lao động yên tâm làm việc, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động…

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, có tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hơn 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%...

Ðể đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Thứ hai, có các giải pháp phục hồi và ổn định thị trường lao động. Thứ ba, tăng cường thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để bảo đảm và phát triển thị trường lao động bền vững; nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể tham gia thị trường lao động; bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động.