Trước tình hình đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhanh chóng chỉ đạo cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt các chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động, thủ tục xét nghiệm, cách ly đối với người lao động mới sang làm việc; hướng dẫn doanh nghiệp trong các khâu tuyển chọn, đào tạo, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với diễn biến dịch bệnh và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của nước sở tại; thúc đẩy đàm phán với các nước tiếp nhận lao động để ký kết thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động. Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, cả nước đã đưa 142.779 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 48.835 lao động nữ), vượt xa mục tiêu đề ra, khi đạt 158,64% kế hoạch được giao (90.000 lao động), và bằng 316,87% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2021 (45.058 lao động). Trong đó, một số thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và trọng điểm đều có dấu hiệu khởi sắc, như: Nhật Bản: 67.295 lao động (29.741 nữ); Ðài Loan (Trung Quốc): 58.598 lao động (17.689 nữ); Hàn Quốc: 9.968 lao động (454 nữ)…
Năm 2023, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động-thương binh và xã hội. Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Tống Hải Nam cho biết: Cục sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ðặc biệt, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao cho người lao động; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…
Ðể chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động các nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm tất cả người lao động đều được tham gia các lớp giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động; đẩy mạnh công tác kết nối các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm để tạo nguồn lao động có kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Ðồng thời, Cục tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động thông qua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…; phối hợp cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cung cấp cho người dân, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài những thông tin cần thiết. Qua đó, tăng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kênh hợp pháp, hạn chế và ngăn ngừa hoạt động tiêu cực phát sinh trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo đảm người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả ■