Ngày 28/6, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức hội thảo quốc tế “Tư vấn vận động và điều phối tạng hiến từ người chết não, chết tim” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ghép tặng mô, tạng trong nước và thế giới.
90% ca ghép tạng từ người cho sống
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, từ năm 2014 mới có có 265 người đăng ký hiến tạng, đến nay đã có 73.213 người (tính tới 20/6/2023) và đã có 7.498 ca ghép tạng thành công (tính tới 31/3/2023).
Số ca ghép tạng tại Việt Nam cũng đã có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022.
Theo Thạc sĩ Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã triển khai 146 ca lấy, ghép mô, tạng người hiến chết não. Số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, hiện nay các bệnh viện còn khá lúng túng chưa có quy chuẩn hoặc cách thức hoạt động về tư vấn hiến tạng hoặc quản lý nguồn tạng hiến.
Hiện nay, Việt Nam chưa thiết lập mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tạng sau chết/chết não; các tư vấn viên chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ thống nhất về chuyên môn, kỹ năng mềm và tư vấn tâm lý.
Theo ông Hệ, hiện nay trong công tác quản lý bệnh nhân chết não tiềm năng tại Việt Nam, các bác sĩ, điều dưỡng hồi sức tích cực, cấp cứu chưa quan tâm đến phát hiện các ca chết não tiềm năng, chưa hiểu đúng về chết não tiềm năng (GCS 3). Tại nhiều bệnh viện, chưa báo ca chết não tiềm năng với tư vấn viên.
Hiện chưa có cơ chế phối hợp giữa các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu với nhóm tư vấn viên; chưa có quy trình sàng lọc, phát hiện bệnh nhân chết não tiềm năng chuẩn; chưa hình thành văn hóa hiến tạng tại bệnh viện.
Các tư vấn viên hiện nay khó tiếp cận hồ sơ bệnh án người chết não tiềm năng, khó khăn trong việc tham vấn ý kiến bác sĩ, điều dưỡng do thái độ không hợp tác không tích cực của bác sĩ, điều dưỡng. Các diễn biến của người bệnh rất nhanh và phức tạp, vì vậy nhiều trường hợp không đủ thời gian để thực hiện các bước theo quy định.
Bên cạnh đó, các tư vấn viên cũng chưa có quy trình chuẩn về tiếp cận gia đình người bệnh, thiếu kỹ năng giải đáp các thắc mắc, hiểu lầm… của người nhà người bệnh. Điều này chủ yếu do chưa có chương trình đào tạo cho tư vấn viên chuẩn. Ngoài ra, họ cũng gặp nhiều rào cản về mặt tâm linh khi thuyết phục gia đình hiến tặng mô tạng.
Các cán bộ trong hội còn gặp nhiều thách thức, khó khăn phía trước để có thể phá băng được quan niệm về “chết toàn thây”, vốn là lực cản của việc hiến tặng mô, tạng từ người chết não.
Bên cạnh đó, những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về hiến tặng mô, tạng cần sửa đổi, bổ sung… đòi hỏi hội dành nhiều thời gian, trí tuệ và tâm huyết phối hợp với các tổ chức tôn giáo, cùng với ngành y tế trong truyền thông, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân cũng như tham gia đóng góp sửa đổi, bổ sung những vấn đề chính sách pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng.
“Vì vậy, công tác vận động người dân hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành y tế nói chung và Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nói riêng trong việc thúc đẩy nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não. Đó là một sứ mệnh quan trọng của hội”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Sớm sửa đổi Luật hiện hành
Một số đại biểu cho rằng hiện nay, quy định độ tuổi của Việt Nam là 18 tuổi mới được hiến tặng mô, tạng là rào cản lớn. Việt Nam cũng đang đi ngược thế giới là phải đi vận động từng người đi hiến mô, tạng.
Việt Nam cần học tập mô hình nước ngoài, ghi thông tin đồng ý hiến tặng mô, tạng ở mặt sau của bằng lái xe. Đồng thời, Luật cần cho phép cha mẹ hoặc người giám hộ của người vừa qua đời được quyền quyết định hiến mô, tạng cho người có nhu cầu; cho phép phạm nhân được hiến tặng mô tạng.
“Nếu Luật sửa đổi theo hướng này, sẽ mở rộng cơ hội nhiều người chết não sẽ hiến tặng mô tạng sau khi qua đời”, các đại biểu bày tỏ.
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề như độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến; vấn đề về tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng; vấn đề xác định chết não; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng…
Đối với vấn đề về tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng, Bộ Y tế hiện đang dự kiến sửa đổi theo hướng quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội, tổ chức tôn giáo, các điều kiện bảo đảm, nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các hội và sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng, từ đó cùng chung tay góp phần tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não, mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị mắc các bệnh về suy mô, tạng.
Ngày 28/6, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (nhiệm kỳ 2023-2028). Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội, bầu Ban chấp hành. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên Bộ trưởng Y tế tiếp tục được bầu làm Chủ tịch hội.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An... cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người bệnh hiểm nghèo.
Thời gian tới, Đại hội sẽ đề ra phương hướng, kết hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các bệnh viện tạo nên nguồn cho tạng lớn, cứu sống nhiều người. Hội cũng mong muốn Luật hiện hành sớm được điều chỉnh để hoạt động vận động, hiến tạng mô tạng sau chết/chết não được tháo gỡ những rào cản.