Nhiều sai phạm về xây dựng dọc tuyến đường Lê Văn Lương

NDO -

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận Thanh tra Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội; Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án, công trình và tổ chức cá nhân liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính.

Ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội. (Ảnh: Đăng Anh)
Ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội. (Ảnh: Đăng Anh)

Kết luận Thanh tra đã chỉ ra sai phạm tại hàng chục dự án, hàng trăm công trình cũng như hàng loạt các chủ đầu tư, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng và kiến nghị hình thức xử lý.

Nhan nhản lỗi vi phạm

Theo Kết luận Thanh tra, hầu hết các dự án đều vi phạm nhiều quy định về xây dựng và các lỗi vi phạm khá đa dạng. Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất của chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

Theo Kết luận Thanh tra, việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không bảo đảm Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không bảo đảm bán kính phục vụ.

Tại Dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH MTV là chủ đầu tư, việc 4 lần điều chỉnh sai quy định đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) thành cơ quan văn phòng cao tầng (năm 2008) thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010) đã làm tăng mật độ xây dựng từ 40% lên 51%, tăng số tầng từ tầng cao trung bình 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích xây dựng từ 2.443m2 lên 3.145m2, diện tích xây dựng từ 12.214m2 lên 76.140m2, tăng quy mô dân số từ 500 người lên khoảng 1.308 người. Trách nhiệm này thuộc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, giấy phép xây dựng không có nội dung chỉ giới xây dựng, giấy phép xây dựng cấp ba tầng hầm không phù hợp với tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận... 

Tương tự, tại Dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê-nhà ở tại ô đất 3.10-NO do liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là chủ đầu tư, UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần; Sở Quy hoạch-Kiến trúc điều chỉnh một lần sai quy định, dẫn tới điều chỉnh từ đất ở thành văn phòng, thương mại (năm 2008), thành hỗn hợp văn phòng nhà ở và nhà trẻ (năm 2012); một khối văn phòng lại thành Tổ hợp Văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ (năm 2017), đã làm tăng tầng cao trung bình từ 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m2. Qua kiểm tra thực tế, chủ đầu tư xây dựng sai Giấy phép xây dựng cấp phần hầm cho phép gần 1.097m2, vi phạm Nghị định 39/2010/NĐ-CP.

Qua kiểm tra, rà soát, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ, có nhiều nội dung về chi tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh vi phạm quy chuẩn xây dựng. Cụ thể, quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 có một số chỉ tiêu quy hoạch không đúng với quy chuẩn, không thuyết minh, tính toán như không bảo đảm nội dung về bố trí vườn hoa, sân chơi trong các nhóm nhà bán kính phục vụ không lớn hơn 300m; không bố trí trạm y tế, sân luyện tập, chợ, trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học; đất công trình giáo dục không đạt 2,7m2/người; diện tích trường mầm non thiếu 12.174m2, diện tích đất cây xanh công cộng đơn vị ở thiếu 34.828m2. Trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%...

Đáng chú ý là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Sau khi di dời, các cơ quan đã không ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.

Tại 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng, 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng nhưng không được UBND thành phố Hà Nội cho phép. Ngoài ra, tại 32 dự án công trình có nội dung vi phạm QCXDVN ban hành, gồm: một dự án về mật độ; 31 dự án công trình về cây xanh. UBND thị xã Hà Đông, UBND quận Hà Đông đã điều chỉnh sáu lần đồ án Quy hoạch chi tiết điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Phát lộ nhiều sai phạm về xây dựng chung quanh tuyến đường Lê Văn Lương -0
Ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội. (Ảnh: Đăng Anh)

Tuy nhiên, việc điều chỉnh không tính toán khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồ án điều chỉnh thiếu nội dung, khó khăn cho công tác quản lý, thực hiện. Bên cạnh đó, có ba đồ án, một số quy hoạch có chỉ tiêu không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 huyện Từ Liêm phê duyệt năm 2000... 

Yêu cầu kiểm điểm làm rõ các vi phạm

Kết luận Thanh tra đã chỉ rõ nhiều sai phạm và xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng các công trình, dự án tại khu vực này, bao gồm: UBND Thành phố Hà Nội và các quận, huyện, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng, chủ đầu tư... Đồng thời, đề nghị các biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về xây dựng.

Cụ thể, đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát văn bản quản lý, điều chỉnh bổ sung nội dung để bảo đảm công tác công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết, quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc và các cơ quan chức năng rà soát toàn bộ các đồ án đã đến kỳ rà soát theo quy định để đánh giá quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh phù hợp; khắc phục những vi phạm tồn tại nêu trong Kết luận Thanh tra; tổ chức, đôn đốc thực hiện đầu tư xây dựng đối với các ô quy hoạch công viên cây xanh, công trình hạ tầng đô thị, các diện tích đất cây xanh trong từng dự án, công trình để bảo đảm đồng bộ hạ tầng cũng như kiến trúc cảnh quan đô thị Thủ đô. Cân nhắc không tiếp tục cho phép chuyển đổi diện tích cây xanh, hạ tầng xã hội thành mục đích khác, có biện pháp xử lý đối với các dự án, công trình chậm tiến độ. Rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án cụ thể nêu trong Kết luận. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc công bố, công khai, cắm mốc quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt theo quy định...

Yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức rà soát, báo cáo UBND thành phố để khắc phục vi phạm, tồn tại đã nêu trong Kết luận Thanh tra. Sở Xây dựng chấn chỉnh công tác cấp giấy phép xây dựng, thực hiện đầy đủ việc kiểm tra theo giấy phép xây dựng quy định trong Luật Xây dựng 2014; báo cáo UBND thành phố xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

UBND các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng; chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng... Biên tập, lưu trữ đầy đủ các đồ án quy hoạch xây dựng, hồ sơ chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc để phục vụ công tác quản lý; kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm của chủ đầu tư xây dựng dự án, công trình trên địa bàn, trong đó có các vi phạm nêu trong Kết luận này. Đối với từng vụ việc cụ thể, yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Xây dựng số tiền 365.872.000 đồng của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội do quyết toán sai quy định về khảo sát phục vụ lập đồ án Quy hoạch phân khu đô thị S4; 7,929 tỷ đồng của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) do lập, chuyển nhượng dự án Khu công viên giải trí số 1, ô CX2 sai quy định pháp luật. 

Riêng dự án Khu công viên giải trí số 1, ô CX2 (Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính do Công ty cổ phần Bể bơi thông minh là chủ đầu tư, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, tổ chức thực hiện xử lý hành vi xây dựng sai quy hoạch được phê duyệt theo quy định. Đối với hành vi miễn tiền sử dụng đất có khả năng gây thiệt hại ngân sách số tiền tạm tính đến thời điểm 26/5/2020 là 2.579.938.020 đồng, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ, trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí theo quy định thì xem xét, quyết định bãi bỏ các ưu đãi; trường hợp có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm về miễn tiền sử dụng đất cho công ty này.

Để xử lý triệt để, tránh xảy ra những lỗi tương tự trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra các vi phạm, tồn tại được nêu trong Kết luận Thanh tra. Kết quả thực hiện gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày công bố Kết luận Thanh tra (17/5/2022).