Nhiều phụ nữ được hưởng các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19

NDO -

Trong triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua, nhóm phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dự Đối thoại (Ảnh: Molisa).
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dự Đối thoại (Ảnh: Molisa).

Sáng 18/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đại diện cho Chính phủ Việt Nam, đã tham dự đối thoại trực tuyến giữa các lãnh đạo nữ khu vực Đông Nam Á và Australia.

Chương trình có chủ đề “Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bị tác động bởi đại dịch Covid-19 trong khu vực”.

Là ý tưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P.Marsudi, đối thoại được tổ chức giữa Australia và có sự tham gia của hơn 30 nữ lãnh đạo khu vực Đông Nam Á.
Chương trình có mục đích trao đổi, đánh giá các tác động của đại dịch Covid-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực.
Từ đó, đối thoại đưa ra các giải pháp để tăng quyền cho nhóm này.

Phát biểu tại đối thoại, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội, đe dọa những thành tựu về bình đẳng giới của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nhóm phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn như chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ bằng tiền, cho vay vốn. Trong đó, lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em là F0, F1; trẻ em mồ côi do Covid-19 và trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 nhận được hỗ trợ bổ sung ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng được tăng cường.

Với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, năm 2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với 5 nhóm giải pháp.

Cụ thể là: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động; rà soát, tiếp tục đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các chính sách đều được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể nhằm bảo đảm các quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Omicron. Điều này đặt ra các thách thức lớn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, cũng như triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt với những đối tượng yếu thế như lao động nữ trong khu vực phi chính thức, lao động nữ di cư.

 “Chúng tôi mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bạn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và áp dụng phù hợp vào bối cảnh của Việt Nam, đồng thời đề xuất Australia và các quốc gia ASEAN tiếp tục hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế vì tương lai tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.

Thông qua đối thoại, Việt Nam bày tỏ mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và áp dụng phù hợp vào bối cảnh của đất nước. Đồng thời, tiếp tục hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế vì tương lai tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực bình đẳng giới:
+ Thực hiện tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới. Các đơn vị cần rà soát, thu thập số liệu, thông tin trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý để phục vụ đánh giá 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, xác định kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đề xuất những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung trong Luật Bình đẳng. Đồng thời, xây dựng Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
+ Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.
+ Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
+ Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ.