Nhiều ổ dịch sốt xuất huyết chưa được xử lý triệt để

Những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội mưa nhiều khiến dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nguy cơ đỉnh dịch có thể xảy ra trong tháng 10, tháng 11, tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại một số quận, huyện còn chưa tốt, cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết cho người dân.
Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết cho người dân.

Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, tính đến nay, thành phố ghi nhận 870 ổ dịch, trong đó 613 ổ đã được khống chế, còn 257 ổ đang hoạt động. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286 người, trong đó có chín bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Từ đầu mùa dịch tới nay, biện pháp phòng chống dịch của thành phố tập trung vào hai nội dung chính, đó là diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch. Tuy nhiên, qua kiểm tra, công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết của các đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt, triệt để và hiệu quả không cao. Cụ thể là việc khoanh vùng phun hóa chất còn hẹp, tỷ lệ phun thấp; bỏ sót ổ bọ gậy, dẫn tới chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Ngoài ra, việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chưa hiệu quả, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng...

Kết quả giám sát công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thực hiện (từ ngày 15/8 đến 24/9) cho thấy, 10/11 ổ dịch của bốn quận, huyện gồm: Thạch Thất, Ðan Phượng, Cầu Giấy, Ðống Ða có chỉ số BI (là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra) gấp từ hai đến bốn lần các khu vực khác như thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có BI=75; cụm 5, xã Tân Lập, huyện Ðan Phượng BI=80; khu ngõ Ðền, cụm 3, quận Ðống Ða BI= 50...

Một số ổ dịch vẫn diễn biến phức tạp kéo dài. Ðơn cử như tại hai xã Phùng Xá và Hữu Bằng của huyện Thạch Thất, dịch xảy ra từ tháng 5, nhưng đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, dịch kéo dài, khiến việc tổng vệ sinh môi trường bị xao nhãng, việc huy động lực lượng gặp khó khăn...

Quận Ðống Ða là địa bàn có số bệnh nhân đông, số ổ dịch hiện cao nhất toàn thành phố; đại diện quận cho biết, nhiều hộ dân thiếu hợp tác trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Có nhiều trường hợp, chính quyền địa phương phải lập biên bản xử phạt, “dọa” đưa lên phương tiện thông tin đại chúng người dân mới phối hợp. Trong khi đó, chế tài xử phạt với các đơn vị làm phát sinh bọ gậy còn nhẹ, chưa mang tính chất răn đe.

Ngoài ra, công tác nhập liệu các ca bệnh đến khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương còn chậm, khiến việc xử lý sớm các ổ dịch chưa hiệu quả. Vì vậy, ngành y tế cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về tác dụng của việc phun hóa chất để tỷ lệ phun cao hơn. Ðồng thời, các bệnh viện tuyến trung ương cần cung cấp thông tin ca bệnh kịp thời hơn giúp địa phương chủ động dập ổ dịch.

Theo các chuyên gia, thời tiết hiện nay mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-320C, là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh... Thêm vào đó, hiện nay, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học đông cũng là điều kiện để dịch bệnh lây lan.

Tại Việt Nam hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, việc chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh. Ðể công tác phun hóa chất đạt hiệu quả, phải bảo đảm phun trong bán kính 200m, tính từ ổ dịch đến các khu vực chung quanh, ngoài ra, phải bảo đảm 95% số hộ gia đình trong ổ dịch được phun hóa chất. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị, cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Các địa phương phải tiến hành phòng chống sốt xuất huyết một cách bài bản, hiệu quả, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Sau mỗi chiến dịch vệ sinh môi trường phải có đội giám sát xem hiệu quả đến đâu. Riêng với việc phun hóa chất phải bảo đảm an toàn cho người dân là số một. Trước khi phun, thông báo cho người dân che đậy các vật dụng và ra khỏi nhà trong 15 phút. Với những người không chấp hành việc phun hóa chất, cần xử phạt nghiêm.

Giám đốc CDC Hà Nội, Bùi Văn Hào

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 10, tháng 11, do đó, các sở, ngành, các cấp cùng các địa phương cần nhận thức rõ để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Người dân cần nâng cao nhận thức trong việc tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Thành phố sẽ ban hành kế hoạch cao điểm về truyền thông phòng chống dịch sốt xuất huyết; tổ chức đợt tổng kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết đột xuất và thường xuyên hơn; đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các đơn vị đã được thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh, song vẫn không chuyển biến.