Theo ông Huỳnh Tấn Đức, tổ trưởng tổ 26, tổ có hơn 70 hộ dân sinh sống nhưng có đến 37 hộ bị ngập nước, nhiều nhà ngập sâu.
Trong đêm 11/9, nhiều hộ đã thức để tát nước ra ngoài nhưng hôm nay trời tiếp tục mưa lớn nên nước lại tràn vào nhà.
Lo nước lớn, một số hộ dân đưa con nhỏ đến nhà người thân để gửi nhờ. Người dân khu vực này đã thường xuyên đối mặt với cảnh ngập lụt trong mùa mưa bão trong nhiều năm qua.
Tổ 26, 27, thuộc khu vực Khe Cạn, đây là khu vực nhiều năm qua liên tục xảy ra tình trạng ngập lụt trong mùa mưa.
Bà Dương Thị Xanh (sinh năm 1968, trú tổ 26) cho biết, nhà bà bị ngập sâu hơn 1m trong ngày 11/9. Đến sáng 12/9, nước rút bớt còn khoảng 0,5m. Ngay trong đêm 11/9, bà đã đưa 2 cháu nhỏ lên gác, còn đồ đạc trong nhà được bà con xóm giềng giúp kê lên cao. Bà Xanh thuộc hộ gia đình khó khăn trong tổ. Ngôi nhà cấp 4 hư hỏng nhiều năm nay, lại nằm trong khu vực giải tỏa nên không thể sửa chữa.
Ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, hiện chính quyền địa phương đã có phương án sơ tán dân ở khu vực Khe Cạn nếu mưa to kéo dài, ngập sâu. Khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng mưa là ngập. Nếu mưa to kéo dài, địa phương sẽ vận động bà con đi sơ tán đến khu vực cao hơn để bảo đảm an toàn.
Cùng ngày, tại Công điện khẩn về cơn bão số 5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện theo địa bàn quản lý là tổng chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn theo phân cấp trách nhiệm được giao; lưu ý bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm sơ tán, tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, lũ, chủ động triển khai sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân trong mưa, bão, lũ và bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trực diện với bão, lũ, nhà không kiên cố, nhà tạm, lán trại, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…