Nhiều ngành kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực hơn

NDO - Trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và tám tháng năm 2023 được công bố sáng 29/8, Tổng cục Thống kê nhận định nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực hơn so tháng trước và so cùng kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Những điểm sáng

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục tăng trưởng tích cực hơn so tháng trước. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 ước tăng 2,9% so tháng trước và tăng 2,6% so cùng kỳ.

Trong đó, một số ngành trọng điểm như: sản xuất kim loại; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; dệt; sản xuất chế biến thực phẩm… đều có mức tăng trưởng cao.

Như vậy liên tục từ tháng 5 đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng dương trở lại và tiếp tục giữ xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ duy trì mức tăng cao so cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD) với các mặt hàng chủ lực có giá trị xuất siêu cao là điện thoại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả.

Đáng lưu ý, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,2 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, tăng gấp 5,4 lần.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so cùng kỳ, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực. Số dự án cấp mới đạt 1.924 dự án, tăng 69,5%; vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7%, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8/2023 đã khởi sắc hơn tháng trước: Cả nước có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 135,3 nghìn tỷ đồng, số lao động đăng ký 79,9 nghìn lao động.

So với tháng 7/2023, hoạt động đăng ký kinh doanh tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký và số lao động.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp và duy trì xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng cao nhất với 4,89%; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 4,18%; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%; đến nay bình quân 8 tháng tăng 3,1%.

Tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Tuy nhiên theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,4% so cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu sụt giảm. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng giảm 10% so cùng kỳ do xuất khẩu sang một số thị trường chủ yếu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 16,2% với mức giảm diễn ra ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp thành lập mới có mức vốn đăng ký bình quân sụt giảm 16,6% so cùng kỳ, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 9,4 tỷ đồng.

Lạm phát cơ bản 8 tháng năm 2023 tăng 4,57%, cao hơn lạm phát chung (3,1%) và cao hơn nhiều so cùng kỳ các năm 2019-2022. Đây là một thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Lê Trung Hiếu, để đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất những tháng còn lại của năm 2023, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ cần tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách tài khóa và tiền tệ Quốc hội đã thông qua.

Theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh.

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, duy trì các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường tiềm năng…

Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Trong các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng cuối năm, Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, địa phương; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực…