Nổi bật là trong Lễ khai hội (ngày 25/2) sẽ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia.
Lễ tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả được tổ chức lớn hơn mọi năm do là năm chẵn.
Cáo yết khai hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc
Tuần Văn hóa, ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức quy mô với nhiều gian hàng, nhiều chủng loại sản phẩm cùng các hoạt động phong phú, hấp dẫn.
Phần thi giã bánh giầy tại Lễ hội. |
Đặc biệt, gắn với lễ hội năm nay, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Giải việt dã “Hành trình kết nối di sản văn hóa" có quy mô lớn nhất, cự ly dài nhất tổ chức tại Hải Dương… Qua đó tăng cường quảng bá các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Khu vực cổng chùa Côn Sơn trước ngày khai hội. |
Hoạt cảnh chèo “Linh khí Côn Sơn” dài 30 phút tại Lễ khai hội có sự tham gia của hơn 70 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trong đó có nhiều gương mặt xuất sắc. Hoạt cảnh mang tính nghệ thuật cao sẽ tái hiện những giá trị lịch sử chùa Hun tức “Thiên Tư Phúc” tại Côn Sơn, nơi Đệ Nhất tổ Trần Nhân Tông chọn làm nơi giảng kinh, thuyết pháp. Chùa Hun cũng là nơi kết nối chùa Hoa Yên-Yên Tử với chùa Vĩnh Nghiêm. Nơi đây, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông từng ở trước khi lên Yên Tử. Sau đó, Huyền Quang tôn giả đã trụ trì ở Thiên Tư Phúc nhiều năm. Côn Sơn cũng là nơi ở của Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã về thăm chùa Côn Sơn.
Trong 2 ngày 23 và 24/2, trước khi khai hội, Ban tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh giầy thu hút hơn 100 nghệ nhân dân gian ở 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương tham gia.