Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn tỉnh Quảng Bình thông tin về các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024).
Theo đó, lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình dự kiến diễn ra vào tối 2/6. Cùng với đó là chuỗi hoạt động tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn quân và nhân dân trong tỉnh, gồm: Thi sáng tác biểu trưng của tỉnh Quảng Bình; tìm hiểu về “Lịch sử 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình”; triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình; khởi công xây dựng và gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình” cho một số công trình quan trọng của tỉnh.
Đặc biệt, Quảng Bình đăng cai tổ chức giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 trên sông Nhật Lệ vào cuối tháng 4 này và giải Marathon toàn quốc (Quang Binh International Marathon 2024) vào ngày 28/7 tại các cung đường ven biển, ven sông Nhật Lệ ở Đồng Hới…
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân đề nghị các cơ quan báo chí, Văn phòng đại diện, phóng viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục đồng hành, tuyên truyền các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh-trật tự.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí, các nhà báo quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình và 35 năm ngày tái lập tỉnh để nhân dân trong cả nước hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành và phát triển địa danh Quảng Bình.
Đồng thời, đây là dịp thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với các thế hệ ông cha đã có công dựng nước và giữ nước; tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình giao các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phóng viên trong việc cung cấp thông tin, tư liệu cũng như tạo mọi điều kiện cho phóng viên tác nghiệp thuận lợi để nhanh chóng truyền tải, lan tỏa sự kiện, hình ảnh về quê hương Quảng Bình rộng rãi trên các loại hình báo chí và các kênh thông tin chính thống của quốc gia.
Sau khi được bổ chức Tổng trấn cai quản hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, Nguyễn Hoàng bắt đầu thực thi nhiều chính sách nhằm ổn định vùng đất vốn có nhiều khó khăn lúc bấy giờ. Sau khi hoàn thành việc mở cõi đến mảnh đất Hà Tiên (phía nam), năm Hoằng Định thứ 5, Giáp Thìn (1604), Chúa Nguyễn Hoàng đã đổi tên vùng đất này từ phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình. Lần đầu tiên, danh xưng Quảng Bình xuất hiện và từ đó gắn liền với lịch sử vùng đất này cho đến ngày nay.
(Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình)