Trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình

Khu kinh tế Hòn La, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) có nhiều tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, cảng biển nước sâu, kết nối giao thông thuận lợi. Hiện tại, đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Hòn La đang được tỉnh Quảng Bình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để phù hợp yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để khu kinh tế này trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu vào nhận hàng ở Cảng Hòn La.
Tàu vào nhận hàng ở Cảng Hòn La.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật để mời gọi, thu hút nhà đầu tư đến với Khu kinh tế Hòn La.

“Đánh thức” vùng đất khó

Khu kinh tế Hòn La có diện tích bao phủ 6 xã ven biển (bao gồm cả biển và đảo) của huyện Quảng Trạch là Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân. Trước năm 2008, khi Khu kinh tế Hòn La chưa được thành lập, vùng đất này, nhất là xã Quảng Đông nằm dưới chân đèo Ngang heo hút, cái nghèo đói như “bủa vây” người dân. Còn giờ đây, ngôi làng xác xơ dưới chân đèo Ngang đã được thay đổi diện mạo, khang trang và đủ đầy hơn. Khu kinh tế Hòn La ra đời giúp người dân thay đổi một bước cơ bản về cơ sở vật chất và điều kiện sống.

Với lợi thế về không gian biển, vịnh nước sâu, giao thông thuận lợi và tiềm năng du lịch, khu kinh tế này đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đến nay đã có 68 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 106.900 tỷ đồng; trong đó, nhiều dự án trọng điểm mang tính động lực, như: Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, Kho xăng dầu DKC Hòn La, Khu du lịch nghỉ dưỡng Sun Spa-Đảo Yến... Tại Khu kinh tế Hòn La, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đang được xây dựng và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II sắp tới được triển khai sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ biến nơi đây thành trung tâm điện lực của khu vực miền trung. Đại diện chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I cho biết, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đợt 2 đã được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thẩm tra để trình Bộ Công thương phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật tổng thể. Một số hạng mục dự án như nhà làm việc, khu nhà ở và đường, điện thi công, hàng rào đã hoàn thành. Riêng đối với dự án cảng nhập than Mũi Độc, hạng mục đê chắn sóng đạt khối lượng khoảng 63%, cảng nhập than đã hoàn thành 100% cấu kiện đúc sẵn, tiến độ được bảo đảm.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình Phạm Tiến Duật cho biết, khi đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Khu kinh tế Hòn La, doanh nghiệp và nhà đầu tư được nhận các ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của Chính phủ và các chính sách ưu đãi đặc thù của tỉnh Quảng Bình. Cùng với đó, tỉnh đang thực hiện quyết liệt các biện pháp cải cách hành chính, quản trị hiệu quả và phát triển hướng đến chính quyền số... nhằm giảm thời gian và chi phí tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào Quảng Bình nói chung, ở Khu kinh tế Hòn La nói riêng.

Trung tâm động lực tăng trưởng

Dù được kỳ vọng là “đầu tàu” trong thu hút đầu tư và kết nối chặt chẽ với Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) để phát triển vùng đất giàu tiềm năng hai bên đèo Ngang, nhưng những năm qua, Khu kinh tế Hòn La vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển. Đồ án quy hoạch chung Khu kinh tế Hòn La được phê duyệt năm 2012 bước đầu giúp thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật khu vực Hòn La, nhưng đến nay quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa khơi thông được những tiềm năng vốn có tại đây. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, một trong những bất cập này là việc dịch chuyển bến chuyên dụng nhập than phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch từ khu bến Hòn La sang khu bến Mũi Độc đã làm thay đổi chức năng sử dụng đất khu Cảng Hòn La. Bên cạnh đó, quy hoạch cỡ tàu khu bến Cảng Hòn La tiếp nhận đang thấp (cảng tổng hợp với cỡ tàu 10.000 - 20.000 DWT), trong khi xu hướng hiện nay là cần sử dụng tàu lớn để tiết kiệm chi phí. Điều này gây khó khăn khi thu hút các dự án đầu tư kinh doanh cảng. Một bất cập nữa là quy hoạch đất phát triển công nghiệp tại xã Quảng Đông nhưng lại bao trùm lên một số khu tái định cư, khu dân cư hiện hữu đã hoàn chỉnh hạ tầng và người dân đã xây nhà sinh sống ổn định; quy hoạch phát triển đất ở về phía tây Quốc lộ 1A lại gần các mỏ khai thác đá, khu nghĩa địa...

Vì thế, việc điều chỉnh đồ án quy hoạch là rất cần thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn, để Khu kinh tế Hòn La phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế. Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La tỉnh Quảng Bình đến năm 2040. Đây là căn cứ để Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện điều chỉnh đồ án quy hoạch Khu kinh tế Hòn La gửi các bộ, ngành liên quan thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Hòn La được định hướng là một trong hai trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Theo đó, Khu kinh tế Hòn La được quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên 10.000 ha; định hướng phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, với trọng tâm phát triển công nghiệp điện, công nghiệp hỗ trợ, cảng trung chuyển hàng hóa kết hợp phục vụ tàu du lịch; có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển cho các vùng khác, đặc biệt kết nối chặt chẽ với Khu kinh tế Vũng Áng theo quy hoạch Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.

Cũng theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình nói trên, Khu kinh tế Hòn La gồm các khu chức năng chính như: Khu phi thuế quan để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và nhu cầu tại chỗ và các hoạt động thương mại-dịch vụ khác; khu cảng, hậu cần cảng và logistics: bao gồm khu bến Hòn La, khu bến Mũi Độc và hình thành mới cảng tổng hợp đường sông tại phía nam sông Roòn thuộc xã Quảng Tùng; bố trí các bến thuyền du lịch tại khu vực mặt nước thuộc các xã Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Xuân và tại Đảo Yến; các khu, cụm công nghiệp, trong đó bao gồm khu phức hợp năng lượng và điện lực Quảng Trạch với tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Hiện nay, trong Khu kinh tế Hòn La có ba khu công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng hạ tầng.

Đồng thời, Khu kinh tế Hòn La cũng sẽ được gắn với không gian phát triển chung Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), với tuyến hành lang kinh tế đường 12A; khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng và với các nước trong tiểu vùng sông Mê Công mở rộng trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Myanmar. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế Vũng Áng nằm cạnh nhau, cho nên hoàn toàn có thể tạo thành một không gian kinh tế chung để phát triển. Quảng Bình và Khu kinh tế Hòn La sẽ được thừa hưởng rất nhiều không chỉ từ hoạt động đầu tư tại chỗ mà còn từ Khu kinh tế Vũng Áng của Hà Tĩnh. Ngược lại, Quảng Bình cũng sẽ hỗ trợ Hà Tĩnh về cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đường hàng không. Thí dụ, đối với việc đi lại của các cá nhân, chủ doanh nghiệp tại Vũng Áng đến hai đầu đất nước, nếu ra sân bay Vinh thì phải di chuyển hơn 120 km, trong khi đến sân bay Đồng Hới chỉ 70 km.

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, tại Khu kinh tế Hòn La, tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện thông qua việc bảo đảm tiến độ các dự án, như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đưa vào vận hành năm 2025), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí LNG (dự kiến khởi công vào năm 2026) cùng các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Quảng Bình cũng đang hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai dự án cảng tổng hợp quốc tế Hòn La với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng và ưu tiên nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics; kêu gọi đầu tư trung tâm logistics tại cảng Hòn La để khu kinh tế này sớm trở thành trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh trong tương lai ■