Có mặt tại căn nhà đại đoàn kết vừa mới xây xong của gia đình anh A Răng và chị Y Liễu tại thôn Đăk Duông, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, chúng tôi được biết gia đình anh Răng có 4 khẩu, thuộc diện hộ nghèo. Căn nhà khoảng 40m2, trống không, tuềnh toàng, chỉ có tấm nệm là đáng giá.
Khi nghe tin chúng tôi đến, vợ chồng A Răng tất tả chạy từ rẫy về với hy vọng mong manh sẽ sớm nhận lại được tiền.
Anh Răng cho biết, năm 2019, vợ chồng anh có thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay số tiền 100 triệu đồng tại chi nhánh Kon Tum của một ngân hàng.
Từ đó, cứ vào tháng 6 gia đình anh đều được nhân viên tên Quý nhắc nhở đến hạn trả nợ ngân hàng và hướng dẫn làm thủ tục để vay lại, đến năm 2021, nhân viên tên Nguyên của ngân hàng tiếp nhận lại hồ sơ của anh.
Tháng 6/2022, sau một thời gian tích góp tiền được một ít cộng với được người thân gia đình hai bên nội ngoại cho mượn, anh quyết định trả nợ ngân hàng.
Ngày 12/6/2022, gia đình anh Răng chủ động liên hệ Nguyên hỏi thủ tục để trả nợ ngân hàng, thì ngay trong buổi chiều, Nguyên chạy vào nhà gặp vợ chồng để lấy số tiền 100 triệu đồng.
“Nguyên nói chạy lên nhà lấy tiền làm thủ tục cho nhanh, không cần đi lại cho tốn xăng nên mình tưởng đây là dịch vụ của ngân hàng, mình đưa tiền cho Nguyên. Lúc giao tiền cũng có 2 anh chị hàng xóm chứng kiến.
Mình bảo Nguyên ghi giấy biên nhận nhưng Nguyên bảo làm giúp cho vợ chồng mà cần gì giấy biên nhận. Nguyên hẹn ngày 14/6 xuống ngân hàng lấy bìa, nhưng đến nơi thì mình mới được ngân hàng cho biết Nguyên đã nghỉ việc được hơn 5 tháng rồi và số nợ của mình chưa được trả đồng nào”, anh Răng kể lại.
Sau khi biết mình bị lừa, anh Răng đã gọi điện cho Nguyên để đòi lại tiền thì được hẹn đi hẹn lại từ ngày hôm sau đến qua tuần, hết tháng.
Vì tin lời Nguyên hẹn sẽ trả và thiếu hiểu biết nên khoản nợ bị kéo dài hơn 1 tháng, hồ sơ vay vốn của vợ chồng anh bị quá hạn, trở thành nợ xấu.
Để trả nợ, gia đình phải bán 6 sào đất rẫy do hai bên nội ngoại cho để lấy tiền trả nợ cho ngân hàng. Ngày 15/7 gia đình anh Răng đã làm đơn tố cáo gửi Công an thành phố Kon Tum.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đối tượng lừa đảo tên Hồ Phước Nguyên là một cựu nhân viên tại một ngân hàng. Nguyên được ngân hàng này cho nghỉ việc từ tháng 1/2022, thế nhưng, Nguyên vẫn mang danh nhân viên ngân hàng này để đi lừa đảo các khách hàng đang vay vốn tại đây.
Do có nhu cầu vay vốn để đầu tư vào rẫy cà-phê của gia đình, tháng 6-2021, vợ chồng anh A Miên và chị Y Thai có vay 100 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm.
Gia đình anh được một cán bộ ngân hàng tên Huy hướng dẫn việc trả lãi hằng tháng. Khi đến hạn, gia đình anh Miên đã đi vay mượn được 50 triệu đồng và đang tìm nguồn vay mượn thêm để đủ tiền trả.
Đến tháng 6/2022, ngân hàng có gọi cho anh báo là khoản vay đến kỳ hạn trả nợ. Vài ngày sau, đối tượng Nguyên liên hệ anh Miên nói rằng mình có thể làm đáo hạn cho anh.
“Nguyên giới thiệu là nhân viên ngân hàng chi nhánh Kon Tum nhưng mình nói trước giờ mình làm với Huy, không biết Nguyên thì sao mà làm việc được. Nhưng Nguyên nói không sao, Nguyên quen thân với giám đốc ngân hàng nên có thể giúp được. Nguyên yêu cầu vợ chồng mình mang theo 50 triệu đồng xuống thành phố Kon Tum gặp để làm thủ tục trả nợ ngân hàng và vay lại, số tiền 50 triệu đồng còn thiếu sẽ được Nguyên cho mượn để trả”, anh Miên kể lại.
Tin lời Nguyên, vợ chồng anh cầm 50 triệu đưa cho Nguyên tại quán cà-phê gần trụ sở ngân hàng, trên địa bàn phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum. Đối tượng Nguyên có viết giấy giao nhận tiền.
2 ngày sau, Nguyên gọi điện cho anh Miên, nói xuống trụ sở ngân hàng chi nhánh Kon Tum để làm thủ tục. Tuy nhiên, khi xuống đến nơi, liên hệ lại thì Nguyên liên tục lấy cớ bận đi công việc để né tránh.
Đối tượng còn hẹn gặp vợ chồng anh Miên tại nhiều địa điểm, bắt anh chị chạy lòng vòng quanh thành phố Kon Tum từ sáng đến chiều.
Nghi ngờ, vợ chồng anh vào ngân hàng này hỏi mới tá hỏa, Nguyên đã bị nghỉ việc từ lâu và khoản vay 100 triệu đồng của vợ chồng anh đã trễ hạn.
“Tiền đưa Nguyên không lấy lại được, trong khi nợ ngân hàng đến hạn phải trả, vợ chồng tôi phải vay mượn của nhiều người trong thôn xuống trả ngân hàng và làm thủ tục vay lại để trả nợ những khoản đã vay mượn. Mong muốn cơ quan công an sớm điều tra và yêu cầu Nguyên trả lại tiền cho gia đình để trả nợ”, anh A Miên buồn rầu nói.
Sau khi nhận được thông tin từ khách hàng, ngân hàng này đã ra thông báo về việc đã chấm dứt hợp đồng lao động với Hồ Phước Nguyên vào ngày 20/1/2022.
Ngay sau khi Nguyên nghỉ việc, các cán bộ nhận bàn giao hồ sơ khách hàng từ Nguyên đã chủ động liên hệ khách hàng để trao đổi thông tin, thông báo về việc thay đổi cán bộ quản lý hồ sơ khách hàng và hướng dẫn khách hàng giao dịch trực tiếp với cán bộ nhận bàn giao hồ sơ.
Phía ngân hàng cũng hướng dẫn và hỗ trợ pháp lý để khách hàng làm đơn tố giác tội phạm theo quy định; thực hiện việc gửi Đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum về việc đối tượng Hồ Phước Nguyên mạo danh chuyên viên quan hệ khách hàng của ngân hàng,…
Về thông tin anh A Miên không biết Nguyên là ai mà sao Nguyên lại nắm được thông tin, hồ sơ của anh, Giám đốc chi nhánh Kon Tum của ngân hàng này, cho biết: Khách hàng A Miên là khách hàng mà trước đây đối tượng Nguyên từng quản lý/hỗ trợ quản lý, theo dõi hồ sơ.
Ngân hàng thực hiện quản trị và tuân thủ yêu cầu bảo mật thông tin nghiêm ngặt theo quy định pháp luật và hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Hệ thống ngân hàng chưa phát hiện ra bất kỳ lỗ hổng bảo mật thông tin nào.