Nhiều hạn chế, thiếu sót trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và quản lý đất tại Nam Định

Ngày 7/2, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận Thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Nam Định.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, thiếu sót, bất cập trong quá trình thực hiện các lĩnh vực nêu trên.

Trong đó, đối với việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, công tác ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai vẫn còn một số nội dung thiếu cụ thể, chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với một số lĩnh vực, như: tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và công khai minh bạch trong việc chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản thu nhập còn hạn chế.

Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra tại một số đơn vị còn chậm, chưa cụ thể về phạm vi, nội dung, đối tượng thanh tra, chưa chú trọng việc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý; thanh tra trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng chưa thực hiện thường xuyên, có cuộc thanh tra thực hiện chưa đầy đủ trình tự, thủ tục.

Chủ tịch UBND các cấp, sở, ngành chưa thực hiện tiếp dân định kỳ đầy đủ, vẫn tồn tại việc ủy quyền, phân công cho cấp phó tiếp dân; công tác phối hợp trong công tác tiếp dân chưa kịp thời, việc mở sổ ghi chép tại sổ tiếp công dân còn chưa đầy đủ thông tin. Một số cơ quan, đơn vị chậm hoặc chưa sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế tiếp công dân theo quy định, chưa có văn bản quy định việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp công dân.

Công tác giải quyết một số vụ khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ về trình tự thủ tục, chậm báo cáo kết luận giải quyết vụ việc; còn một số vụ việc đã có kết luận, quyết định nhưng chưa được tổ chức thực hiện và giải quyết dứt điểm, công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ chưa bảo đảm theo quy định.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành quyết định hủy bỏ một số quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư không còn phù hợp. Sở Xây dựng chưa thực hiện công bố giá một số vật liệu cho các dự án giao thông, thủy lợi đã có trên thị trường… Công tác lập, phân bổ, thực hiện kế hoạch đầu tư công, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư còn hạn chế thiếu sót, như: bố trí vốn cao hơn kế hoạch vốn hằng năm, bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch vốn đầu tư công…

Qua thanh tra 6 dự án đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước cho thấy vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, như: Thường trực HĐND tỉnh đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mà không thông qua HĐND tỉnh, áp dụng hình thức quản lý dự án, bố trí nguồn vốn cho dự án chưa phù hợp, chưa ghi rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, điều chỉnh bổ sung, dự án chưa phù hợp…

Trong công tác quản lý, sử dụng đất, việc phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng đất để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa sát thực tế; tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành chưa cao, số liệu hiện trạng sử dụng đất của một số huyện chưa đồng bộ việc thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất tỷ lệ thấp.

Thanh tra Chính phủ cho biết: Còn 6 dự án thuê đất với tổng diện tích 1,77ha, chủ đầu tư dự án đã sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất. Vẫn còn 17 doanh nghiệp được cổ phần hóa đang sử dụng hơn 57ha đất chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý… Có một số dự án sử dụng dưới 10ha đất lúa có văn bản chấp thuận của Thường trực HĐND tỉnh nhưng không có Nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Ngoài ra, còn có một số dự án đầu tư công sử dụng đất lúa nhưng chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích đất lúa.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, số lượng các tổ chức, hộ gia đình cá nhân chưa được cấp còn nhiều, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh cho hộ gia đình, cá nhân.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm ở các huyện, thành phố còn chậm, chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất vẫn còn diễn ra.

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Nam định rà soát, ban hành các văn bản quản lý còn thiếu; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra trách nhiệm đối với việc chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; chú trọng thực hiện các giải pháp công khai, minh bạch, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

UBND tỉnh cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu; chỉ đạo thanh tra các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra, công khai kết luận thanh tra, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra. Chấn chỉnh công tác lập, quản lý hồ sơ, chấp hành về trình tự, thủ tục trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng, cần rà soát, hủy bỏ một số nội dung về ưu đãi đầu tư chưa đúng với quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức xác định hậu quả của vi phạm (nếu có) từ đó đưa ra biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật

Về công tác quản lý, sử dụng đất đai, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định. Chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc 17 doanh nghiệp được cổ phần hóa khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, yêu cầu chủ đầu tư 6 dự án thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất từ khi được giao đất; rà soát, truy thu tiền thuế đất, không để thất thoát ngân sách nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm, có hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nam định tổ chức rà soát và xử lý về kinh tế tổng số tiền tạm tính là hơn 67 tỷ đồng.

UBND tỉnh Nam Định tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền được phân cấp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị địa phương và cá nhân kiểm điểm phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan các thiếu sót, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra và các biên bản làm việc của đoàn thanh tra trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý đầu tư xây dựng; công tác quản lý, sử dụng đất đai, từ đó xác định hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất trên địa bàn...