Ngày 18-12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo phổ biến Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba, với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được các thông tin về cam kết của hiệp định và hiểu được cơ hội, thách thức cũng như khả năng tận dụng hiệp định để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Cuba. Qua đó giúp các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những tác động mạnh mẽ tới thương mại quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba được ký tại Hà Nội ngày 9-11-2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-4-2020, là một trong những thành quả của những nỗ lực của hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển tương xứng với mối quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Đặc biệt, đây là hiệp định thương mại đầu tiên của Cuba ký với một đối tác châu Á, cho thấy sự ưu tiên của Cuba đối với Việt Nam trong chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mình.
Nhiều ưu đãi thuế quan cho hàng hóa Việt Nam
Với 14 chương, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba bao gồm các quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hợp tác kinh tế và thương mại…
Với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới, theo đó hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng năm năm, hiệp định được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là kỳ vọng tạo đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cuba. Doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tận dụng thị trường Cuba như đầu mối để mở đường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực lân cận và các nước Mỹ Latinh.
Theo đại diện của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba đi vào hiệu lực, với nhiều ưu đãi thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu nhờ áp dụng các ưu đãi này, đặc biệt là cho các mặt hàng vốn là thế mạnh và có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Cụ thể, tại hiệp định, phía Cuba áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho Việt Nam theo 794 dòng thuế, trong đó, có tới 478 dòng thuế suất về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực kể từ ngày 1-4 vừa qua, áp dụng cho nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam gồm: Gạo, các loại ngũ cốc, hải sản, hoa, đậu hạt, vật liệu xây dựng, dệt may, thiết bị điện gia dụng, thiết bị y tế, bảo hộ… Ngoài ra, có 296 dòng thuế suất sẽ về 0% (các loại rau và hoa quả tươi, bánh kẹo, gia vị nấu ăn, mỹ phẩm, máy móc, thiết bị tự động hóa, sản phẩm từ mây và tre…) và 20 dòng giảm xuống 3-20% (sợi tổng hợp, nhân tạo, đinh vít, bu lông, lưỡi cưa) sau năm năm.
Theo bà Võ Hồng Anh, hiệp định được kỳ vọng sẽ từng bước nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cuba ngang tầm mối quan hệ chính trị song phương tốt đẹp. Điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi Cuba là thị trường có mức tăng trưởng GDP ổn định, có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu không mang tính cạnh tranh mà chủ yếu mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam.
Dư địa lớn cho hàng Việt sang Cuba
Ông Khổng Thanh Phong, Bí thư thứ hai, Trưởng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Á tại Cuba, đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất châu Á tại đây. Trao đổi thương mại hai bên tăng đều qua từng năm, trung bình đạt 250-300 triệu USD/năm. Hiện, Việt Nam có bốn dự án đã được cấp phép đầu tư tại Cuba, với tổng số vốn đăng ký lên tới hàng chục triệu USD.
Theo ông Phong, dư địa cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Cuba còn nhiều, bởi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Cuba. Ngoài ra, còn rất nhiều thuận lợi và cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Cuba cũng đang áp dụng các chính sách cởi mở hơn về kinh tế - thương mại, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang Cuba theo Hiệp định thương mại song phương, trong khi thị trường Cuba cũng không quá khắt khe khi so sánh với các thị trường khó tính khác.
Bà Irmina Perojo Bellido de Luna, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam cho biết, người dân Cuba có cảm tình và tin tưởng với các mặt hàng đến từ Việt Nam, trong đó, gồm những hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam và là mặt hàng Cuba có nhu cầu cao, gồm: Lương thực, thực phẩm, nhóm mặt hàng phục vụ sản đời sống người dân (quần áo, hàng dệt may) và phục vụ sản xuất (vật liệu xây dựng, xi-măng, đồ nội thất, gia dụng, gốm sứ, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt cho sản xuất dược phẩm).
Với thực tế trên, việc hoàn tất các đàm phán, ký kết và thực thi hiệp định sẽ tiếp tục góp phần tạo khuôn khổ pháp lý ổn định và thông thoáng, thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, mở rộng cơ hội hợp tác và kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp của hai bên.
Tại Hội thảo, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước cũng được cung cấp các thông tin cập nhật về thị trường Cuba. Các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, phân tích cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Cuba, đồng thời đưa ra giải pháp để giúp các doanh nghiệp có thể định hướng được chiến lược tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này một cách bài bản và thuận lợi hơn, đồng thời tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà hiệp định mang lại, trong đó có việc vận dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng vào thị trường Cuba.
Theo bà Võ Hồng Anh, mặc dù hiện tại quan hệ thương mại song phương còn đang phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức, cũng như diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhưng việc tận dụng tốt ưu đãi từ hiệp định thì cơ hội cho các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường là rất tích cực. Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan và Thương vụ Việt Nam tại Cuba sẽ là cầu nối để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về cung cấp thông tin thị trường, kết nối với các đối tác Cuba để hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 226,81 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Cuba đạt 221,62 triệu USD, nhập khẩu từ Cuba đạt 5,19 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 102 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Cuba 100 triệu USD và nhập khẩu từ Cuba 2 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là: Gạo, cà-phê, sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng… Trong đó, gạo là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba. Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Cuba chủ yếu là vaccine và dược phẩm. |