Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học tránh rét

NDO -

Từ ngày 7-1, tại nhiều huyện vùng cao ở Bắc Kạn như Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm, trời rét đậm, nhiều khu vực nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Để bảo đảm giữ ấm cho học sinh, một số huyện đã chủ động chỉ đạo các trường cho học sinh bậc mầm non và tiểu học nghỉ học hoặc chuyển giờ vào lớp muộn hơn bình thường.

Điểm trường Lủng Muổng, xã Xuân La, huyện Pác Nặm cho học sinh nghỉ học từ ngày 8-1 khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. (Ảnh: Tuấn Sơn)
Điểm trường Lủng Muổng, xã Xuân La, huyện Pác Nặm cho học sinh nghỉ học từ ngày 8-1 khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. (Ảnh: Tuấn Sơn)

Xã Xuân La, huyện Pác Nặm có nhiều điểm trường lẻ ở các thôn, bản vùng cao, nằm sâu trong núi nên những ngày này thời tiết rét đậm. Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân La Trương Thu Hằng cho biết, trường có năm điểm ở các thôn, bản. Trong sáng 8-1, nhiệt độ tại đây  xuống dưới 7 độ C, nhà trường đã chỉ đạo cho học sinh nghỉ học cho đến hết đợt rét này. Do đặc thù địa phương, đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gần trường nhưng nhà cửa không bảo đảm giữ ấm cho trẻ, trường chỉ đạo các cô giáo tiếp tục đón trẻ và triển khai các biện pháp giữ ấm cho trẻ, như: cho uống nước ấm, giữ trẻ trong phòng kín, bổ sung thêm chăn ấm…

Cũng trong sáng 8-1, nhiều địa phương đã cử cán bộ giáo dục đi kiểm tra tại các phân trường, điểm trường và trường mầm non, tiểu học về công tác giữ ấm cho trẻ. Tại huyện vùng cao Pác Nặm, có 11 trường mầm non thì 10 trường cho trẻ nghỉ học. Học sinh từ cấp tiểu học trở lên vẫn đi học nhưng các nhà trường đã tăng cường giải pháp giữ ấm bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Ở các huyện khác, một số điểm trường mầm non vùng cao nhiệt độ quá lạnh cũng đã cho nghỉ học; đối với bậc tiểu học, các trường đã lùi giờ vào lớp đến 8 giờ 30 phút sáng, mua sắm thêm các thiết bị sưởi ấm. Tại các trường bán trú khu vực vùng cao, các trường cũng đã hỗ trợ thêm áo ấm, chăn ấm, nấu bữa ăn nóng cho học sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn Ma Thế Quyên cho biết, Sở đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo các phòng giáo dục huyện, thành phố hướng dẫn các trường kiểm tra thường xuyên. Tùy điều kiện thực tế, nếu nhiệt độ xuống quá thấp thì chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm sức khỏe cho các em.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bắc Kạn cũng đã ra công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại. Trong đó, tập trung tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống rét. Tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh và triển khai các biện pháp để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung.

Hơn 224 nghìn học sinh mầm non, tiểu học ở Thái Bình nghỉ học do rét đậm

Trao đổi với Nhân Dân điện tử, ông Phan Đình Nhuế, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thái Bình cho biết: Do nhiệt độ giảm sâu gây rét đậm, rét hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhóm học sinh nhỏ tuổi, nên tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, học sinh khối mầm non và tiểu học đã được nghỉ học theo đúng  quy định.

Sáng 8-1, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình thông tin: Trên địa bàn trời rét hại với nhiệt độ lúc 6 giờ là 10,0 độ C. Trong các giờ tiếp theo, nhiệt độ tại Thái Bình tăng chậm 0,0 đến 0,5 độ C. Với nền nhiệt như thông báo, 79.689 trẻ mầm non và 145.204 học sinh cấp tiểu học ở tỉnh Thái Bình đã được các cơ sở giáo dục, đào tạo cho nghỉ học để tránh các tác động xấu đến sức khỏe.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học tránh rét -0
 Hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, phường Trần Hưng Đạo (TP Thái Bình) được nghỉ học do rét đậm, rét hại. (Ảnh: Mai Tú)

Trước đó, ngay trong ngày 7-1, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình đã ban hành hai văn bản số 14 và 15 gửi các trường THPT, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và phòng giáo dục các huyện, thành phố yêu cầu theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình để chủ động cho học sinh nghỉ học. Đối với học sinh mầm non và tiểu học được nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C; cấp THCS và THPT nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cho hay, với nhiệt độ không khí đầu giờ sáng nay là 10,0 độ C, nên học sinh khối mầm non và tiểu học được nghỉ học là hoàn toàn đúng quy định. Hơn nữa, khối tiểu học vừa thi xong học kỳ 1, các ngày cuối tuần nhà trường cho học sinh nghỉ học để cán bộ, giáo viên tập trung chấm thi, nên việc phòng, tránh rét hại diễn ra hiện nay càng được thực hiện triệt để hơn.

Qua tìm hiểu thực tế tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Kim Đồng (TP Thái Bình), phóng viên ghi nhận những cố gắng của các nhà trường trong việc chủ động phòng, chống rủi ro do rét đậm, rét hại gây ra. Hầu hết phụ huynh học sinh nắm bắt được thông tin dự báo thời tiết nên cho trẻ ở nhà. Cá biệt như Trường mầm non Hoa Phượng (nằm trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo) vẫn nhận đón trẻ đến sinh hoạt bởi các phòng học đều bật điều hòa ở nhiệt độ cao, bảo đảm thân nhiệt ổn định cho trẻ em.

Còn tại huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ, lãnh đạo phòng giáo dục có công văn đôn đốc việc chống rét gửi cho tất cả hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc. Theo đó, thông tin cụ thể việc nghỉ học của học sinh tới tất cả giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh; chỉ đạo giáo viên tích cực phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý và hướng dẫn học sinh học tập tại nhà. Trong những ngày học sinh nghỉ học, nhà trường có kế hoạch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc bình thường.

Sau mỗi đợt nghỉ học, cần nhanh chóng ổn định nền nếp việc dạy và học; tuyệt đối không được cắt xén chương trình, bố trí học bù để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học.

Hà Giang xuất hiện băng giá, nhiều trường cho học sinh nghỉ học

Từ ngày 7 đến sáng 8-1, tại nhiều huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang nhiệt độ xuống từ -2 đến 5 độ C. Tại nhiều xã vùng cao thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ đã xuất hiện băng giá phủ kín những sườn núi cao. Trước thực trạng đó, nhiều trường bắt đầu cho học sinh nghỉ học.

Ngay từ chiều 7-1, các huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần đã cho gần bảy nghìn học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, hôm nay, 8-1, nhiệt độ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang xuống rất thấp, do đó sẽ có thêm nhiều trường chủ động cho học sinh nghỉ học.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học tránh rét -0
 Các trường vùng cao ở Hà Giang bảo đảm giữ ấm cho học sinh trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. (Ảnh: Khánh Toàn)

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết: “Sở đã chỉ đạo các trường theo dõi diễn biến thời tiết, khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C thì các trường mầm non và tiểu học chủ động cho học sinh nghỉ học; dưới 7 độ C thì cho học sinh THCS nghỉ học. Đối với các trường không cho học sinh nghỉ học thì phải kiểm tra các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhất là chế độ ăn hợp lý”.

Tại tỉnh Hà Giang, với đặc thù nền nhiệt độ giảm thấp thường xuyên, đặc biệt tại vùng núi cao, nếu cho học sinh nghỉ học kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh gia đình của học sinh khó khăn nên khi ở trường học sinh còn được chăm sóc, phòng chống rét tốt hơn ở nhà. Do đó, nhiều trường vẫn duy trì sĩ số học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại những đã thực hiện các biện pháp giữ ấm cho học sinh.

Tại huyện Mèo Vạc, những ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp. Do đó, trước giờ lên lớp, thầy cô giáo Trường Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tả Lủng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm khi bắt đầu tiết học. Nhà trường chủ động thay đổi khung giờ học muộn hơn, chuyển từ 7 giờ lên 8 giờ. Đồng thời kiểm tra sức khỏe của học sinh hằng ngày, tăng thêm khẩu phần ăn bảo đảm nóng, đủ chất dinh dưỡng.

Cô giáo Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tả Lủng cho biết: “Khi nhiệt độ xuống thấp, nhà trường chỉ đạo giáo viên tuyên truyền cho phụ huynh mặc ấm cho trẻ, đi đầy đủ giày dép và tất. Nhà trường cũng hạn chế các hoạt động ngoài trời, bảo đảm đủ ánh sáng trong lớp. Đối với học sinh bán trú tại trường chính, bố trí cho học sinh có nước ấm để dùng, đầy đủ chăn đệm khi ngủ”.

Tại nhiều địa phương, các thầy cô giáo cũng đã tích cực huy động, kết nối với các tổ chức, cá nhân ủng hộ quần áo, giày dép, chăn đệm cho học sinh. Cô giáo Chảo Thị Viện, Trường Mầm non Xín Cái, huyện Mèo Vạc cho biết: “Đối với những cháu gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi sẽ đến tận nhà để xem điều kiện sinh hoạt, sau đó kết nối với các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, bảo đảm có đủ áo ấm và chăn ấm”.

Trong những ngày rét đậm, rét hại, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có trường hợp học sinh tử vong do gia đình đốt củi trong phòng kín. Để giữ ấm cho học sinh, nhiều trường cũng thực hiện theo cách này trong các tiết học. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Giao, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho biết: “Đốt lửa trong phòng kín không thoáng khí, lượng các bon trong môi trường tăng cao, ở trong phòng kín lâu thì lượng ô-xy trong máu giảm dẫn đến ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc từ từ nên các dấu hiệu ít bị phát hiện và rất mơ hồ. Do đó, các trường nên dùng đèn sưởi thay thế. Nếu điều kiện khó khăn phải đốt than củi thì giáo viên phải theo dõi học sinh thường xuyên”.