Khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày đầu tháng 11 cho thấy, bên cạnh các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) vẫn duy trì hoạt động bình thường, hiện có không ít cửa hàng xăng dầu tư nhân đóng cửa, dừng hoạt động khiến người dân bức xúc.
Đứt gãy nguồn hàng
Sáng 3/11, nhiều người dân đi đổ xăng tỏ ra ngỡ ngàng khi cửa hàng xăng dầu Bảo Anh (địa chỉ 236, Lương Thế Vinh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thông báo dừng hoạt động với nội dung: "Hiện tại, cửa hàng đang hết xăng". Theo tìm hiểu của chúng tôi, cửa hàng này đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động mấy ngày nay và chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Tương tự, cửa hàng xăng dầu Mipecorp trên phố Phùng Hưng (quận Hà Ðông) cũng lập rào chắn, dừng hoạt động không rõ lý do. Cửa hàng xăng dầu Thành Công (số 1 Láng Hạ, quận Ba Ðình) của Công ty cổ phần xăng dầu HFC cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lý giải nguyên nhân, nhân viên của cửa hàng này cho biết, cửa hàng phải tạm dừng bán vì hết hàng, xe bồn vẫn nằm chờ ở kho đang đợi nhập, nhưng nếu có nhập được cũng phải đợi qua khung giờ cao điểm mới được đi vào trong phố. Hiện mỗi ngày, cửa hàng chỉ nhập được 5.000 đến 6.000 lít, bán hết thì thôi.
Không chỉ vài cửa hàng nêu trên, hiện tượng này đã xảy ra tại nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội như quận Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Ðống Ða,... và đang có xu hướng tiếp tục lan rộng ra các địa bàn khác. Anh Nguyễn Trọng Hùng (trú tại đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Ðông) cho biết, địa bàn quận Hà Ðông không thiếu cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng nghịch lý ở chỗ muốn đổ được nhiên liệu, người dân có khi phải chạy sang các quận, huyện khác xa tới hàng chục ki-lô-mét do nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc có hàng bán nhưng phải xếp hàng 15-20 phút mới đến lượt.
"Sống trong nền kinh tế phát triển, vận động theo cơ chế thị trường, lâu lắm rồi tôi mới lại có cảm giác quay lại thời kỳ bao cấp, người mua xếp hàng chờ dài cổ, còn người bán đủng đỉnh, với tâm lý kiểu ban phát, xin cho" - anh Hùng bức xúc.
Số liệu thống kê của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn hiện có 108 trong tổng số 550 cửa hàng thiếu xăng (tương đương gần 20%), dù vẫn mở cửa phục vụ. Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ trung bình khoảng 6.880m3 xăng dầu, tình trạng khan hiếm xăng dầu được dự báo sẽ khó chấm dứt sớm vì doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa đủ hàng để phân phối. Do đó, nhiều cửa hàng xăng dầu luôn trong tình trạng hết hàng hoặc bán nhỏ giọt 30.000 đồng đối với xe máy và 200 nghìn-500 nghìn đồng đối với ô-tô. Ngoài thiếu hụt nguồn cung, cơ chế điều hành hiện chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên trong cung ứng phân phối xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp càng bán hàng càng thua lỗ. Bên cạnh việc báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan liên bộ về điều hành giá xăng dầu, Thành phố Hồ Chí Minh cũng huy động các đơn vị nhập và phân phối lớn "gồng gánh" cho các doanh nghiệp nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.
Số liệu thống kê của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn hiện có 108 trong tổng số 550 cửa hàng thiếu xăng (tương đương gần 20%), dù vẫn mở cửa phục vụ. Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ trung bình khoảng 6.880m3 xăng dầu...
Tại Ðồng Nai, trước thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu (ngày 1/11), có 84 cửa hàng thông báo hết xăng dầu. Trong đó, 77 cửa hàng báo hết xăng còn dầu, 7 cửa hàng hết cả xăng lẫn dầu. Hiện địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm sớm ổn định nguồn hàng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Khách hành mua xăng tại Cửa hàng xăng dầu của Petrolimex ở quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CAO TÂN) |
Nhanh chóng ổn định thị trường
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang đối diện rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu thấp. Theo công thức tính giá cơ sở đối với xăng dầu được áp dụng từ năm 2014 đến hết năm 2021 thì không xảy ra vấn đề gì. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, các phụ phí tăng cao nhưng không được Nhà nước điều chỉnh khiến giá cơ sở thấp hơn so với thực tế khoảng 8-9 USD/thùng.
Mặt khác, nhiều đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu bán ra, chiết khấu bằng 0 đồng nhưng lại cộng thêm các khoản chi phí vận chuyển, tồn hao xăng dầu,... dẫn tới tình trạng đầu vào cao hơn đầu ra, khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Bản chất của vấn đề không phải nguồn hàng khan, không phải giá cao mà do chi phí lưu thông không có. Thực tiễn này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có sự điều chỉnh kịp thời, sát thực tế để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, đẩy mạnh lưu thông phân phối.
Nhằm sớm ổn định thị trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ban hành công điện yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống trong mọi tình huống. Theo đó, Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường, trên cơ sở cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu; giám sát và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh.
Các vướng mắc phát sinh cần được các bộ, ngành chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Liên bộ Công thương-Tài chính sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030; nghiên cứu, sửa đổi những bất cập trong Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhất là quy định về thời gian điều hành, quỹ bình ổn giá, thống nhất đầu mối quản lý cũng như các tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của thương nhân, đầu mối phân phối. Các địa phương giám sát việc kinh doanh của các cửa hàng; thanh tra, kiểm tra hoạt động niêm yết giá, thời gian đăng ký bán hàng,... nhằm duy trì hoạt động và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối ngày 2/11, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty cổ phần thương mại dầu khí Ðồng Tháp (Petimex), Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ xuất khoảng 1,25 triệu mét khối xăng dầu (chưa gồm nguồn từ hai nhà máy lọc dầu, nhập khẩu trong kỳ của các doanh nghiệp); mức dự trữ này tương đương 74% lượng tiêu thụ bình quân của cả nước trong một tháng từ nguồn dự trữ thương mại để cung ứng ở những nơi thiếu cục bộ. Theo quy định, các đơn vị đầu mối, phân phối phải bảo đảm lượng hàng dự trữ lưu thông đủ 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề. Lượng hàng dự trữ này là mặt hàng doanh nghiệp kinh doanh thường xuyên và họ tự bỏ chi phí duy trì tồn kho.
"Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đang rất khó khăn, cần sự chung tay của đơn vị đầu mối để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn" - Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đang rất khó khăn, cần sự chung tay của đơn vị đầu mối để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên
Báo cáo của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho thấy, trong 9 tháng qua, đơn vị đã xuất bán hơn 5,8 triệu mét khối xăng dầu ra thị trường. Nhà máy hiện đã tăng công suất lên 109%, vượt 6% so với kế hoạch năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu đang thiếu hụt trong nước. Tùy theo nhu cầu và nguồn dầu thô ổn định, nhà máy có thể nâng lên mức hơn 110% công suất trong thời gian tới để góp phần ổn định thị trường. Tương tự, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cam kết vận hành nhà máy với công suất tối thiểu 100% và giao đủ khối lượng đã ký vào khoảng 2,4-2,5 triệu mét khối trong quý IV/2022.