Nhiều công trình nước sạch ở miền núi bị bỏ hoang

Bài 2 : Đổi mới mô hình quản lý
 
 
 Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều tỉnh miền núi, chúng tôi thấy điểm chung dẫn đến các công trình nước sinh hoạt tự chảy hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động là do không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên... Do đó, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần đổi mới mô hình quản lý, nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia bảo vệ công trình.

Tổ vận hành công trình nước sinh hoạt xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng) đi chốt số nước tại nhà dân.
Tổ vận hành công trình nước sinh hoạt xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng) đi chốt số nước tại nhà dân.

Trả phí và bài học hiệu quả đầu tư
 
 Trong chuyến công tác, chúng tôi gặp nhiều cá nhân “lăn lộn” với lĩnh vực nước sinh hoạt nhằm giúp người dân có được nguồn nước bảo đảm sử dụng. Trên đường đến công trình nước sinh hoạt xóm 1, xã Vĩnh Quang, TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) tỉnh Bế Nhật Thành nói vui: “Công trình cấp nước này nếu không có anh Hoàng Văn Hội thì cũng khó hoàn thành. Bởi vài năm trước, khi trung tâm đề cập đến việc xây dựng công trình nước cho người dân trong xóm, nhiều hộ không đồng tình với lý do đã có nước dùng từ suối và mó trên núi”. Anh Hoàng Văn Hội kể: “Lúc đó tôi đang là trưởng xóm, thấy người dân vất vả đi “cõng” từng thùng nước về sử dụng nên rất băn khoăn. Sau thời gian dài tuyên truyền, phần lớn người dân ủng hộ và công trình được triển khai. Khi triển khai, người dân đối ứng vốn bằng ngày công lao động, quy ra tiền khoảng ba triệu đồng/hộ”. Năm 2016, công trình được đưa vào sử dụng và hiện đang hoạt động tốt, cấp nước cho 73 hộ dân. Hiện nay, đường ống nước được kéo đến từng gia đình, có lắp đồng hồ, giá tiền nước là 3.000 đồng/m3. Việc thu phí nước cũng chỉ giúp người dân ý thức hơn trong việc sử dụng nước. Đồng thời, số tiền này sẽ dùng để trả phụ cấp cho tổ vận hành; trả tiền điện, bảo dưỡng, sửa chữa. Ngoài ra, một phần tiền cho vào quỹ dự phòng nhằm xử lý những tình huống, sự cố đột xuất xảy ra. “Để công trình hoạt động tốt, liên tục cấp nước bảo đảm cho người dân, tổ vận hành với ba người thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện những hư hỏng để khắc phục. Với phụ cấp hơn 200 nghìn đồng/người/tháng thì tổ vận hành chúng tôi chỉ làm việc vì lợi ích chung của người dân” - anh Hội cho biết.
 
 Khi tìm hiểu thực tế ở các tỉnh miền núi, chúng tôi thấy nơi nào áp dụng việc thu tiền nước dù ít hay nhiều thì hầu hết công trình đều phát huy hiệu quả. Mặc dù đã về hưu, nhưng bác Hoàng Xuân Sinh, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng) vẫn nhiệt tình tham gia vào tổ vận hành công trình nước sinh hoạt xã Hoàng Tung. Hằng ngày, bác dậy từ sáng sớm, vận hành máy bơm khoảng hai tiếng để bơm nước vào bể lắng và một lần như vậy vào buổi chiều để bảo đảm đủ nước cung cấp cho người dân trong xã. Bác Sinh chia sẻ: “Công trình nước trên địa bàn xã được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019 bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới; hiện nay, đang cấp nước cho 366 hộ dân ở ba xóm trong xã. Bình quân mỗi tháng, các hộ dân sử dụng khoảng 1.500 m3 nước với giá bán 6.000 đồng/m3. Số tiền này để trả phụ cấp cho tổ vận hành bốn người, trả tiền điện, mua vật tư sửa chữa và để vào quỹ sử dụng khi cần thiết”. Là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ công trình nước sinh hoạt này, bác Phạm Thị Minh, ở xóm Làng Đền, xã Hoàng Tung không giấu được niềm vui kể: “Trước đây, gia đình tôi dùng nước giếng khoan và ăn trực tiếp, ô nhiễm lắm! Từ khi công trình nước đi vào hoạt động, gia đình tôi đã được dùng nước bảo đảm vệ sinh. Hiện nay, bình quân mỗi tháng với bốn người, gia đình tôi dùng khoảng 13 m3 nước”.
 
 Trách nhiệm giám sát và ý thức người dân
 
 Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh Cao Bằng Bế Nhật Thành cho biết: “Đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 895 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và tập trung, hiện có khoảng 10% số công trình đang không hoạt động. Hầu hết các công trình không hoạt động này là giao cho cộng đồng quản lý. Nguyên nhân là do ý thức của người dân hạn chế, chưa thật sự coi đây là công trình của mình; thậm chí ở nhiều nơi, người dân còn có suy nghĩ đây là công trình của Nhà nước, hư hỏng Nhà nước sẽ sửa”. Hay như tại Bắc Kạn, theo Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh Bế Ngọc Hùng, ngoài những yếu tố về thiếu kinh phí sửa chữa thì việc thiếu ý thức tham gia bảo vệ, giữ gìn công trình của người dân cũng là nguyên nhân dẫn đến các công trình bị xuống cấp. Ở nhiều công trình, do không thu tiền nước cho nên các hộ đầu nguồn lấy nước đưa vào ao nuôi cá, vào ruộng lúa khiến những hộ cuối nguồn không còn nước sử dụng. Mặt khác, một số hộ khi phát hiện hỏng hóc, nước rò rỉ cũng không thông báo đến cơ quan chức năng để khắc phục kịp thời.
 
 Có thể nói, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ công trình, các địa phương cần đổi mới các mô hình quản lý. Bởi có mô hình quản lý tốt với những cán bộ chuyên môn, khi đưa vào vận hành, các công trình sẽ mang lại hiệu quả cao, tránh được tình trạng hư hỏng sau đầu tư. Theo Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh Thái Nguyên La Hồng Chung, hiện nay, trung tâm có 90 cán bộ, công nhân viên đang quản lý 22 công trình cấp nước sinh hoạt cho khoảng 18 nghìn hộ dân. Để bảo đảm vận hành hiệu quả, thường có ba hoặc năm cán bộ chuyên môn “cắm chốt” trực tiếp tại công trình để tham gia vận hành, sửa chữa khi có sự cố. Trong đó, công trình cấp nước sinh hoạt xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên là một thí dụ. Anh Đỗ Xuân Tiến, Tổ trưởng Nhà máy nước Huống Thượng cho biết: “Công trình hoạt động từ năm 2015 với công suất hơn 200 m3/ngày/đêm, cấp nước cho 667 hộ dân tại xã. Hiện nay, nhà máy nước có bốn cán bộ quản lý để vận hành, bảo dưỡng, chốt số, thu tiền nước. Điều đáng nói là chất lượng nước phục vụ nhân dân của nhà máy đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế”. Từ khi đi vào hoạt động, người dân trong xã rất phấn khởi vì đã có nước sạch sử dụng. Ông Đinh Công Tráng ở xã Huống Thượng cho biết: “Trước kia gia đình tôi dùng nước giếng đào nhưng đến mùa khô là thiếu nước. Mặc dù đã khoan thêm giếng sâu đến 50 m nhưng cũng chẳng có nước sử dụng. Khi có nước sạch về, gia đình tôi đăng ký sử dụng ngay và hiện nay bình quân mỗi tháng dùng hết 25 đến 30 m3 nước.
 
 Xây dựng công trình theo nhu cầu
 
 Thời gian qua, các tỉnh miền núi, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, đã có kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng những công trình hư hỏng, xuống cấp phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Đáng chú ý, có địa phương còn thực hiện ghép công trình nhỏ thành công trình lớn, mang lại kết quả tích cực. Tại Bắc Kạn, từ nguồn vốn này, năm 2019, tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp được 12 công trình cấp nước cho nhân dân. Anh Lường Văn Ninh, ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông phụ trách vận hành công trình cấp nước sinh hoạt xã Vi Hương cho biết: “Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới với kinh phí hai tỷ đồng, cấp nước cho 246 hộ dân và các cơ quan hành chính xã. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, xã đã thành lập tổ vận hành với bốn người. Hiện nay, giá tiền nước bán cho các hộ dân là 1.000 đồng/m3. Theo đó, số tiền thu được sẽ trích 60% để trả phụ cấp cho tổ vận hành, 40% còn lại để sử dụng cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Việc thu tiền nước đã nâng cao ý thức của người sử dụng cũng như tham gia bảo vệ công trình”.
 
 Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Giám đốc Trung tâm quốc gia NS và VSMTNT Lương Văn Anh một trong những nguyên nhân khiến các công trình nước sinh hoạt tự chảy xuống cấp là do từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia NS và VSMTNT kết thúc năm 2015 cho nên thiếu nguồn kinh phí sửa chữa. Mặt khác, lĩnh vực nước sạch hiện nay được lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng khi phân bổ nguồn vốn về, các địa phương thường ưu tiên dành vốn cho các công trình khác quan trọng hơn. Do đó, ít quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng công trình mới hoặc sửa chữa, bảo dưỡng các công trình xuống cấp, hư hỏng. Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh Thanh Hóa Đỗ Doãn Thành cho biết, hiện nay cơ quan chuyên môn đã đề nghị tỉnh bố trí kinh phí để khắc phục, cải tạo lại các công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp nhằm phục vụ người dân nhưng vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, từ khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia NS và VSMTNT vào năm 2015, đến nay tỉnh mới xây dựng được một công trình cấp nước sạch tại huyện Lang Chánh với kinh phí hơn ba tỷ đồng, cấp nước cho khoảng 300 hộ dân.
 
 Về lâu dài, ông Lương Văn Anh cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần dành kinh phí để sửa chữa các công trình xuống cấp phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Trong đó, ưu tiên những công trình mới hư hỏng, có nhu cầu sử dụng cao. Đối với những công trình chưa có tổ, nhóm vận hành các địa phương cần thành lập để quản lý công trình hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền để người dân tham gia đóng góp một phần giá nước nhằm trả phụ cấp cho những người tham gia tổ vận hành. Mặt khác, với những công trình xây mới, các cơ quan chuyên môn cần khảo sát nhu cầu sử dụng của người dân, tránh tình trạng đầu tư xong, nhu cầu sử dụng không nhiều. Các công trình xây dựng ở vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nếu không thu tiền nước thì cũng cần tính toán, có phương án bớt lại kinh phí để chi trả phụ cấp cho tổ vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa khi xảy ra sự cố. Cùng với đó, các địa phương cũng nên đẩy mạnh hơn việc đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp xã, thôn, bản tham gia vận hành các công trình cấp nước. Tuy nhiên, phải chọn đúng nhóm đối tượng đang thực hiện quản lý công trình tại địa phương mới phát huy được hiệu quả; tránh việc đào tạo, tập huấn theo “phong trào” khi mời cả những cán bộ ở những nơi chưa có công trình nước, bởi khi học xong, những người này không được thực hành ngay sẽ quên các quy trình, kỹ thuật được đào tạo… 
 
 (★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29-8-2020.
 Bài 1: Bể khô, dân “khát”