Từ ngày 25-7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 239 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, đã ghi nhận tám ca đã tử vong là những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có nhiều bệnh lý nền đi kèm và hầu hết đều là người cao tuổi.
Theo ThS, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), dịch Covid-19 đang bùng phát ở Đà Nẵng có sự khác biệt khi SARS-CoV-2 lây lan trong ba nhóm đối tượng đặc thù. Đó là những người suy thận mạn tính nhiều năm, bệnh nhân đang điều trị ung bướu và hồi sức tích cực.
BS Cấp nhận định, ở các bệnh nhân này, nguy cơ tử vong luôn tiềm ẩn, bất kể mắc Covid-19 hay không. Đây là những người có sức đề kháng rất yếu. Việc mắc thêm Covid-19 giống như 'giọt nước tràn ly', khiến tỷ lệ tử vong tăng lên bất thường.
Do đó, các ca tử vong này không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus. Trước đó, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin virus được tìm thấy trong các bệnh nhân ở ổ dịch Đà Nẵng là chủng mới, có tốc độ lây nhanh hơn, song độc lực không tăng.
Do diễn biến dịch phức tạp tại Đà Nẵng, nhất là ở nhóm bệnh nhân nặng, Bộ Y tế vừa chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chi viện nhân lực hỗ trợ thành phố này chống dịch Covid-19. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, ổ dịch Đà Nẵng được đánh giá là nguy hiểm, việc khống chế gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, bác sĩ Cấp sẽ cùng ThS, BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, vào Đà Nẵng để đánh giá tình hình, từ đó có phương án điều chuyển nhân lực phù hợp vào hỗ trợ.
Trong lần hỗ trợ Đà Nẵng, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ mang theo một số trang thiết bị đặc biệt của bệnh viện như đồ phòng hộ, máy lọc không khí, mũ trùm đầu... Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chuẩn bị các bài giảng để nâng cao năng lực điều trị cho đồng nghiệp.