Nhiều bất ổn quanh khu nuôi sò huyết ở Bãi Bồi

NDO -

NDĐT – Chiều 24-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT-PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, vừa có báo cáo kết quả về việc kiểm tra khu vực nuôi sò huyết tại phân khu bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau…

Doanh nghiệp bao ví Bãi Bồi, Cà Mau nuôi sò huyết cản trở giao thông đường thủy, thu hẹp không gian kiếm sống của dân nghèo.
Doanh nghiệp bao ví Bãi Bồi, Cà Mau nuôi sò huyết cản trở giao thông đường thủy, thu hẹp không gian kiếm sống của dân nghèo.

* Khởi tố 10 bị can trộm sò huyết ở Cà Mau

* Cà Mau: Tuyên án nhóm trộm sò ven biển Bãi Bồ

Kết quả cho thấy, quá trình thực hiện phương án ương, nuôi sò huyết thực nghiệm, chủ đầu tư (VQG Mũi Cà Mau) và nhiều đối tác của VQG chưa thực hiện tốt phương án ương, nuôi sò huyết ở Bãi Bồi. Cụ thể, cho đến nay, VQG Mũi Cà Mau vẫn chưa thực hiện quy hoạch chi tiết cho từng khu (khu nuôi sò thương phẩm, ương sò huyết giống, nuôi sò bố mẹ). Nhiều đối tác liên kết với VQG Mũi Cà Mau chưa xây dựng các phương án trong khu vực được giao để trình chủ đầu tư phê duyệt; chưa tổ chức báo cáo tài chính và chưa thực hiện đóng thuế theo quy định; chưa giải quyết tốt sinh kế cho dân nghèo ven biển tại địa phương khi phần lớn lao động là người ngoài tỉnh…

Ngoài những tồn tại nêu trên, theo phản ánh của chính quyền một số xã trong khu vực Bãi Bồi, nhiều đối tác của VQG Mũi Cà Mau cất chòi trên bãi sò nhưng không xin phép chính quyền. Những hộ nuôi phần đông từ nơi khác về nhưng không đăng ký tạm trú, thường xuyên để xảy ra tình hình gây rối an ninh trật tự trong khu vực nuôi; những hộ nuôi sò huyết ở Bãi Bồi thường xuyên dùng ngư cụ để đánh bắt thủy sản trong vùng cấm, gây bức xúc đối với cư dân tại địa phương. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nuôi, ương sò huyết ở Bãi Bồi quá trình rào chắn, bao ví khu nuôi đã cản trở giao thông đường thủy và gây khó khăn trong việc đi lại của người dân; nhiều đối tác của VQG Mũi Cà Mau bơm sình trong khu vực Bãi Bồi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, môi trường nước hộ dân nuôi trồng thủy sản tại địa phương…

Ngày 24-8, trong chuyến công tác tại xã Lâm Hải (huyện Năm Căn), chính quyền địa phương tiếp tục nêu bức xúc của người dân đối với phương án nuôi sò huyết của VQG đến đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau. Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh tính toán lại việc nuôi sò huyết thực nghiệm ở Bãi Bồi, phải có đánh giá rõ ràng, không để ảnh hưởng đến hoạt động giao thông bình thường của người dân. “Trong trường hợp xảy ra nhiều bất ổn thì nên cho dừng triển khai phương án nuôi sò thực nghiệm” – ông Bi khẳng định.

Liên quan đến những bất ổn ở Bãi Bồi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình yêu cầu Sở NN-PTNT Cà Mau xác định lại chính xác phương án của VQG Mũi Cà Mau là cho thuê mặt nước, mặt bãi để kinh doanh hay tổ chức nuôi thực nghiệm để sau đó nhân rộng cho người dân thực hiện. “Tôi đề nghị cơ quan chức năng tỉnh rà soát lại thật kỹ. Nếu là phương án thực nghiệm, làm gì cũng phải chừa lối đi cho người dân chứ không thể bít hết lối đi. Còn nếu rà soát mà thấy VQG Mũi Cà Mau thực hiện không đúng phương án thì không cho triển khai nữa”, đồng chí Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Như Nhân dân điện tử đã phản ảnh, khu vực nuôi sò huyết ở Bãi Bồi thuộc phân khu bảo tồn biển, do VQG Mũi Cà Mau quản lý, nằm giáp ranh các xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Đất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn) và xã Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân). Đầu năm 2016, VQG Mũi Cà Mau mở rộng phương án nuôi sò huyết thực nghiệm ở Bãi Bồi từ 30 ha lên 400 ha, sau đó hợp đồng cho 14 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt nước bãi bồi để ương, nuôi sò huyết (VQG Mũi Cà Mau được hưởng 5% trên tổng lợi nhuận). Mục đích của phương án, theo UBND tỉnh Cà Mau là nhằm tạo thêm nguồn sò giống tự nhiên cung cấp cho nhân dân địa phương, tạo sinh kế cho cộng đồng dân nghèo sinh sống ven biển Bãi Bồi…

Tuy nhiên, mục đích sinh kế cho dân nghèo chưa thực hiện được. Những người nghèo thất học bao đời “hái lượm” ven biển Bãi Bồi nuôi hy vọng có công ăn, việc lại từ doanh nghiệp nuôi sò huyết bị rơi vào tỉnh cảnh “mất đi nồi cơm”, bị thu hẹp không gian, diện tích kiếm sống, xảy ra xung đột với những người nhiều tiền thuê mặt nước nuôi sò…