Nhiều bất cập trong việc nâng cấp, sửa chữa chợ Kim Bài

Thời gian qua, Báo Nhân Dân nhận được nhiều đơn của bạn đọc phản ánh việc UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) thông báo sửa chữa, nâng cấp chợ Kim Bài để tạo đồng thuận trong việc chuyển chợ. Khi đã di chuyển chợ xong, UBND huyện lại thông báo chủ trương đấu giá đất khu chợ cũ gây bất ngờ, bức xúc cho hàng trăm hộ tiểu thương.

Việc bố trí, quy hoạch khu vực bán rau, củ, quả tại chợ Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) không hợp lý, gây bức xúc cho các hộ kinh doanh.
Việc bố trí, quy hoạch khu vực bán rau, củ, quả tại chợ Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) không hợp lý, gây bức xúc cho các hộ kinh doanh.

Biến chợ tạm thành chợ chính

Được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, chợ Kim Bài, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai (Hà Nội) gồm tám dãy chợ, nhưng đến khi có chủ trương di chuyển, chợ chỉ còn bốn dãy hoạt động. Mặt khác, qua hơn 20 năm, chợ đã xuống cấp, nhiều hạng mục mất an toàn, không bảo đảm vệ sinh... Năm 2013, UBND huyện Thanh Oai có văn bản gửi Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội xin thỏa thuận địa điểm quy hoạch chợ tạm Kim Bài trên diện tích 2.000 m2, tại xứ đồng Đìa Nhất, thuộc địa giới hành chính thị trấn Kim Bài. Đầu năm 2014, UBND huyện tổ chức họp, thông báo rộng rãi đến nhân dân, nhất là các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Kim Bài (chợ cũ), với chủ trương sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ cũ. Thậm chí, để tăng niềm tin của nhân dân, huyện còn mời cả đơn vị quản lý dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Hà Nội (gọi tắt là LIFSAP Hà Nội) về tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến các tiểu thương, công bố quy hoạch, quy mô, bản vẽ thiết kế… dự án tại chợ cũ. Thế nên, khi huyện thông báo di chuyển các hộ kinh doanh sang chợ tạm (chợ mới), hầu hết các hộ đều đồng ý với hy vọng sau này sẽ có nơi kinh doanh sạch sẽ và khang trang hơn.

UBND huyện Thanh Oai cũng đề nghị LIFSAP Hà Nội “dịch chuyển” dự án sang khu vực chợ mới. Không cần lấy ý kiến của người kinh doanh, LIFSAP Hà Nội xây dựng một khu riêng biệt (trong chợ mới) gắn biển LIFSAP Hà Nội và gom vào tất cả các hộ bán hàng rau, củ, quả, gia cầm (cả gia cầm đã sơ chế lẫn còn sống).

Giữa tháng 4-2017, sau khi chợ mới đã đi vào hoạt động, người dân vô cùng bức xúc khi biết được thông báo của UBND huyện về việc bán đấu giá khu đất chợ cũ Kim Bài. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ tiểu thương sẽ phải kinh doanh lâu dài ở... chợ tạm. Rất nhiều hộ kinh doanh, do không nghĩ đây là địa điểm kinh doanh lâu dài nên khi được hỏi về kiến trúc xây dựng các cầu chợ, ki-ốt… đã không sâu sát, không đưa ra những góp ý xác đáng trong khi nơi kinh doanh hiện tại không phù hợp, rất khó bán hàng. Ngay cả khu vực của LIFSAP Hà Nội, việc bố trí các hộ kinh doanh cũng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như mục tiêu của dự án đầu tư.

Nhiều bất cập ở chợ tạm Kim Bài

Trong đơn gửi Báo Nhân Dân, ông Tạ Văn Cầu, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Kim Bài nay được sắp xếp một ki-ốt trong chợ mới, phản ánh: Chúng tôi kinh doanh mặt hàng giò chả, nay hàng chục hộ bị đưa vào góc cụt của chợ thì làm sao mà buôn bán được. Chị Vi Thị Lan, tiểu thương bán hàng rau, quả ở khu vực LIFSAP Hà Nội cho rằng: Việc bố trí khu giết mổ gia cầm sát dãy hàng rau, quả gây ô nhiễm nghiêm trọng, không đúng với mục tiêu của dự án, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hộ bán rau, quả... Một số hộ cho rằng, UBND huyện Thanh Oai giao việc quản lý chợ cho UBND thị trấn Kim Bài, trong khi chưa giải quyết thỏa đáng những thắc mắc, khiếu nại của tiểu thương là không minh bạch, thiếu dân chủ. Việc các hộ mua ki-ốt tại chợ Kim Bài với giá rất cao thời điểm năm 1995 cũng cần phải được giải quyết thỏa đáng...

Để tìm hiểu thực tế những phản ánh của người dân, chúng tôi đã khảo sát cả chợ cũ và chợ mới Kim Bài. Khung cảnh tan hoang trên hạ tầng xuống cấp của khu chợ cũ chỉ ra rằng việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp vào thời điểm này là đúng. Tuy nhiên, với diện tích chưa sử dụng chiếm khoảng một nửa tổng diện tích khu chợ, việc lãnh đạo UBND thị trấn Kim Bài giải thích chợ cũ thiếu diện tích, không phù hợp quy mô chợ mới chưa thật sự thuyết phục. Chưa kể đến khuôn viên xây dựng một khu nhà văn hóa trên nền đất chợ rộng hàng nghìn m2 (phần không sử dụng) được khánh thành năm 2016, cho thấy đây không phải là ý tưởng quy hoạch cho một khu chợ “cải tạo, nâng cấp” như các cấp liên quan thông báo đến người dân.

Đối với chợ mới Kim Bài, mặt tiền chợ nằm sát quốc lộ 21B, không những thiếu không gian cho việc kinh doanh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Mặt hông chợ giáp lối đi vào trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế thị trấn không chỉ thường xuyên gây ách tắc giao thông, mà còn gây mất vệ sinh, cũng như lo ngại về các loại dịch bệnh có thể lây nhiễm, nhất là đối với các cháu nhỏ. Ngoài ra, chợ mới cũng không có nơi để xe cho khách, hệ thống thoát nước nhỏ, không có biện pháp ngăn mùi tại khu giết mổ gia cầm cũng là những bất cập cần tháo gỡ.

Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, không có đồng chí lãnh đạo huyện nào đồng ý tiếp. Theo phản ánh của người dân, việc di chuyển chợ có nhiều điểm khuất tất, đó là, UBND huyện đứng ra đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc về việc xây dựng chợ mới, UBND huyện là chủ đầu tư, thì phải giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của tiểu thương chợ Kim Bài. UBND huyện cần giải thích vì sao không xây dựng chợ trên nền đất chợ cũ mà muốn biến “chợ tạm” thành “chợ chính”. Cũng chính UBND huyện là đối tác của LIFSAP Hà Nội để thực hiện dự án tại chợ cũ như mục tiêu ban đầu thông báo với nhân dân. UBND huyện cũng là cơ quan nhận tiền thuê - mua ki-ốt của các hộ dân kinh doanh trong và bên cạnh chợ trước kia nhưng lại ra thông báo bán đấu giá khu đất chợ cũ...

UBND thị trấn Kim Bài không đủ thẩm quyền, chức năng để giải quyết những vấn đề nêu trên. Trên giấy tờ, đơn vị này được giao quản lý chợ mới, và chỉ có chức năng giải quyết những thắc mắc của các hộ tiểu thương đang kinh doanh trong khu vực chợ mới mà thôi. Trong buổi làm việc với chúng tôi, các ông Hà Văn Thành, Bí thư Đảng ủy; ông Hà Sỹ Lâm, Phó Chủ tịch UBND; Nguyễn Văn Đán, Chủ tịch HĐND thị trấn Kim Bài đã trả lời thay cấp huyện hầu hết các nội dung chúng tôi đề cập. Trong đó có cả những vấn đề thuộc thẩm quyền của LIFSAP Hà Nội như có lấy ý kiến nhân dân về chợ mới hay không, tại sao khi nghiên cứu, lập dự án ở chợ cũ nhưng lại làm ở chợ mới? Hầu hết các nội dung đều trả lời chung chung, thiếu thuyết phục và nhiều mâu thuẫn. Đối với các khiếu nại của nhân dân về bất cập tại chợ mới, lãnh đạo UBND thị trấn hứa sẽ giải quyết thỏa đáng, hợp lý: “Vì đang trong quá trình hoàn thiện, chúng tôi sẽ chỉ đạo khắc phục ngay những thiếu sót trong quản lý, điều hành hoạt động của chợ mới”, ông Hà Văn Thành cho biết.

Đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và huyện Thanh Oai sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ những bất cập trong việc di chuyển chợ Kim Bài, để các tiểu thương sớm ổn định việc kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm