Nhiều bất cập tại doanh nghiệp lai dắt tàu biển

Từ năm 2012 đến 2017, mỗi năm, Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM được miễn giảm khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tàu Sea Tiger lai dắt tàu Hải An tại vùng biển khu vực Bãi Trước (TP Vũng Tàu). Nguồn: Haivanship.com.vn
Tàu Sea Tiger lai dắt tàu Hải An tại vùng biển khu vực Bãi Trước (TP Vũng Tàu). Nguồn: Haivanship.com.vn

Tuy nhiên, qua thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, các phương tiện tàu lai của doanh nghiệp này không chỉ hoạt động ở vùng biển huyện Tân Thành, nay là thị xã Phú Mỹ (vốn được xác định là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn) mà hoạt động rộng khắp cả ở khu vực biển Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Việc doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để hưởng chính sách ưu đãi, nhưng phương tiện hoạt động ở cả khu vực không được ưu đãi dẫn đến nguy cơ Nhà nước thất thu cả chục tỷ đồng mỗi năm.

Lũng đoạn thị trường tàu lai

Nhóm cảng biển số 5, bao gồm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), các cảng thuộc TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA). Đây là nhóm cảng biển quan trọng bậc nhất của quốc gia với lưu lượng tàu thuyền, hàng hóa ra vào cảng rất lớn, chiếm tới hơn 60% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của cả nước.

Từ nhiều năm trở lại đây, nhiều dư luận cho rằng hoạt động lai dắt tàu, thuyền ra vào các cảng trong khu vực đang bị một nhóm doanh nghiệp thao túng, độc quyền, gây lũng đoạn thị trường. Giá dịch vụ lai dắt tàu biển tăng hay giảm đều do nhóm doanh nghiệp này quyết định. Đó là các doanh nghiệp: Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM; Công ty cổ phần Dịch vụ-Vận tải biển Hải Vân và Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng-Cái Mép. Đây là ba doanh nghiệp có đội tàu lai hùng hậu, chi phối gần như toàn bộ thị trường tàu lai tại các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai… Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu lai khác đều phải thuê lại tàu lai của ba công ty này.

Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp, tại Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM, ông Phạm Hạt là cổ đông lớn nhất, chiếm tới 95% vốn điều lệ. Tại Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng-Cái Mép, ông Phạm Đức Phương làm đại diện pháp luật, Công ty cổ phần Dịch vụ-Vận tải biển Hải Vân (Haivanship) sở hữu 40% vốn điều lệ. Tại Công ty cổ phần Dịch vụ-Vận tải biển Hải Vân, ông Phạm Văn Quang làm Giám đốc, ông Phạm Hồng Phong làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, nắm quyền chi phối. Điều bất ngờ là ông Phạm Hạt chính là cha ruột của Phạm Hồng Phong, Phạm Văn Quang và Phạm Đức Phương. Tất cả mọi hoạt động của các công ty này đều do một mình ông Phạm Hồng Phong chỉ đạo, điều hành. Ông Phong hiện định cư tại Mỹ.

Trên trang web chính thức của Công ty cổ phần Dịch vụ-Vận tải biển Hải Vân giới thiệu về đội tàu lai của mình, tất cả các tàu của Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM và Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng-Cái Mép đều được giới thiệu là tàu của Haivanship, điển hình như: Tàu Sea Tiger, Tiến Minh, Tiến Thắng (thuộc Công ty SP-SPAM); tàu Kasuga, Mirai (Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng-Cái Mép)… Đồng thời, kể từ năm 2020, sau khi Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM được chuyển trụ sở về TP Hồ Chí Minh, một pháp nhân mới được thành lập là Công ty cổ phần Trục vớt-cứu hộ-lai dắt hàng hải Long Beach được thành lập và tham gia vào đội tàu của Haivanship.

Luật gia Nguyễn Văn Hiến, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau khi nghiên cứu hồ sơ phóng viên cung cấp, khẳng định đây chắc chắn là các “giao dịch liên kết”, cần căn cứ Nghị định 132/2020/NĐ-CP để xác minh, làm rõ.

Dấu hiệu trốn thuế

Trở lại Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM, theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp lần đầu vào tháng 1/2011, công ty phải nộp thuế thu nhập với mức thuế suất bằng 20% trong thời hạn 10 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, căn cứ Nghị định 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ, do công ty hoạt động trong vùng có điều kiện kinh tế khó khăn là huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) nên được miễn thuế thu nhập 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, qua thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, phương tiện tàu lai của ba doanh nghiệp này thường xuyên được Haivanship sử dụng dưới danh nghĩa Haivanship và một số phương tiện của Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM không chỉ hoạt động ở vùng biển huyện Tân Thành, nay là thị xã Phú Mỹ (vốn được xác định là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn) mà hoạt động rộng khắp ở cả khu vực biển Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh.

Điển hình, ngày 11/4/2016, ba tàu Sea Tiger (Công ty SP-SPAM), Kasuga (Công ty Tân Cảng-Cái Mép), Kamiya (của Haivanship mới chuyển sang Công ty cổ phần Trục vớt-cứu hộ-lai dắt hàng hải Long Beach) đã tham gia lai dắt tàu công-ten-nơ Millau Bridge chuyên chở hơn 14.000 công-ten-nơ cập cảng Quốc tế Cái Mép-CMIT; ngày 18/4/2016, cũng chính ba tàu này đã lai dắt tàu Yang Ming vào cảng… Đồng thời, việc lai dắt các tàu công-ten-nơ vào cảng thường được thực hiện từ khu vực biển Vũng Tàu chứ không đơn thuần tại vùng biển Tân Thành.

Chính việc thường xuyên sử dụng phương tiện của các doanh nghiệp liên kết, chuyển lợi nhuận về doanh nghiệp được ưu đãi, nên trong các năm từ 2012 đến 2017, doanh thu mỗi năm của Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM luôn đứng tốp đầu, trung bình hơn 100 tỷ đồng, dù công ty này sở hữu số phương tiện lai dắt ít hơn rất nhiều so với hai công ty còn lại. Theo báo cáo tài chính của công ty gửi cơ quan thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, năm 2016, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là gần 120 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 10 tỷ đồng (giảm 50%). Tương tự, năm 2017 là hơn 112 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 9,5 tỷ đồng (giảm 50%). Nhưng đến năm 2019, trước khi chuyển trụ sở lên TP Hồ Chí Minh, tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ còn hơn 24 tỷ đồng, số thuế phải nộp là 4,8 tỷ đồng (không được giảm 50%).

Vấn đề đặt ra là, vì sao một doanh nghiệp có dấu hiệu thực hiện các “giao dịch liên kết” kéo dài nhiều năm vẫn không bị phát hiện? Liệu có việc thao túng, lũng đoạn toàn bộ hoạt động dịch vụ lai dắt tàu biển ở vùng biển quan trọng này như nhiều ý kiến đã nêu?

Rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra làm rõ.