Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư và địa phương, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
NMNĐ Mông Dương 1 do EVN GENCO3 làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 37,4 nghìn tỷ đồng, tổng công suất 1.080MW với hai tổ máy, sản lượng điện hằng năm 6,5 tỷ kW giờ.
Được khởi công ngày 22-10-2011, sau thời gian thi công khẩn trương, tổ máy 1 hoà lưới điện quốc gia lần đầu ngày 6-1-2015, vận hành thương mại (PAC) ngày 10-10-2015; tổ máy 2 hòa lưới lần đầu ngày 22-5-2015, PAC ngày 3-12-2015.
Công trình do Công ty Hyundai E&C (Hàn Quốc) làm tổng thầu EPC, là NMNĐ đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ lò hơi đốt than tầng sôi tuần hoàn (CFB) có công suất lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Đến nay, nhà máy vận hành luôn ổn định, đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật.
Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thêm một nguồn điện năng quan trọng cho hệ thống điện quốc gia, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước (chiếm 18% tổng công suất toàn hệ thống), tăng độ ổn định và dự phòng công suất của hệ thống, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh cũng như khu vực kinh tế trọng điểm Đông Bắc.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị đã nỗ lực, thực hiện dự án đúng tiến độ và chất lượng. Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn đồng bào địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện nhường đất cho dự án triển khai đúng tiến độ; đồng thời gửi lời cảm ơn Chính phủ, nhân dân Hàn Quốc, ADB hỗ trợ tín dụng cho dự án.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đây mới chỉ là bước đầu, vấn đề đặt ra là phải vận hành, khai thác nhà máy trong vài chục năm nữa. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, nhất là Công ty Nhiệt điện Mông Dương 1 phải bảo đảm vận hành an toàn, hiệu quả, nâng cao và duy trì tính kỷ luật, bảo đảm tất cả các chỉ tiêu kỹ thuật, tài chính, trong đó coi trọng chỉ tiêu về bảo đảm môi trường, thể hiện trách nhiệm của ngành điện đối với môi trường sống; phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tiếp tục xử lý các tồn tại, khiếm khuyết trong quá trình bảo hành để bảo đảm nhà máy vận hành tin cậy, liên tục, kinh tế.