Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền trung, thiệt hại cả về người và tài sản rất là lớn. Đây là đợt thiệt hại lớn nhất trong nhiệm kỳ này, các năm 2016, 2017, 2018 đều có thiên tai nhưng chưa năm nào thiệt hại như năm nay.
Theo Phó Thủ tướng, khi mưa, lũ xảy ra, các cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung quyết liệt để ứng phó nhưng tình hình thiệt hại rất nặng nề, đến hôm nay chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết. Quảng Bình, Hà Tĩnh ngập lũ rất rộng, vượt lũ lịch sử. Hiện nay rất nhiều hộ dân khó khăn, nhiều hộ gia đình còn khó khăn về lương thực, thực phẩm.
“Nhiệm vụ số một hiện nay là chúng ta tập trung cứu trợ người dân, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống rồi các nhu yếu phẩm cần thiết, trong đó, bao gồm cả việc làm thế nào để bà con có thể có chất đốt để nấu nướng được. Hiện nay, mặc dù an toàn về tính mạng nhưng bà con không có gì để nấu nướng vì điện bị cắt”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, còn rất nhiều khu vực bị ngập chưa đi vào được, nhiều tổ chức đến cứu trợ nhưng chủ yếu đến chỗ dễ, không vào chỗ khó cho nên người dân chỗ thì được nhiều, chỗ thì chưa có.
“Tôi rất đồng tình với việc đồng chí Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ trực tiếp vào địa phương cùng các đồng chí ở Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xem các địa phương thiếu gì để hỗ trợ. Thứ hai là làm thế nào để đến tận tay người dân. Đề nghị trước mắt hỗ trợ cho mỗi tỉnh năm tấn xúc xích hoặc nhiều hơn cho bà con”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các tỉnh phải giao nhiệm vụ cho các huyện, các xã thì các địa phương mới nắm hết được và hàng cứu trợ phải tập trung do chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tiếp nhận, từ đó phân phối. Chính quyền địa phương, các đoàn thể mới nắm hết được thông tin người dân, trong xã, trong từng thôn, bản. Tránh đi cứu trợ kiểu hình thức, những người dân đang khó khăn thì không được cứu trợ.
“Ưu tiên số một hiện nay là cứu trợ cho người dân hai địa phương Quảng Bình và Hà Tĩnh, cùng với cứu trợ đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thiếu trang thiết bị, phương tiện gì cần bổ sung để đến kiểm tra tận nơi các hộ dân, thậm chí là sử dụng trực thăng, rất tốt và hiệu quả, ít nhất là đi kiểm tra những khu vực nào có khó khăn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa.
*Ngày 21-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, trước những thiệt hại nghiêm trọng do áp thấp và mưa lũ gây ra cho người dân Việt Nam, Trung tâm điều phối ASEAN về điều phối nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ tới người dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, gồm 500 bộ sửa chữa nhà cửa và 650 bộ nhà bếp cho mỗi tỉnh, nhằm giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ có thể khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Tổng cục Phòng, chống thiên tai tiếp nhận số hàng trên và sẽ chuyển cho người dân vùng lũ các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Số hàng viện trợ này ngay lập tức đã được chuyển từ kho của ASEAN tại Malaysia và được bàn giao tại nhà ga hàng hóa - Sân bay Đà Nẵng vào 9 giờ sáng 21-10. Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang khẩn trương làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị để đưa hàng cứu trợ đến tay người dân vùng thiên tai trong thời gian sớm nhất