Đề xuất trên được đưa ra tại cuộc gặp giữa hai bên ngày 12/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius (Litva).
Thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh rằng sức khỏe và an toàn cho người dân phải là các cân nhắc hàng đầu khi tiến hành xả nước thải của nhà máy trên ra biển.
Thông cáo nêu rõ: “Tổng thống Yoon Suk Yeol đề nghị thông tin giám sát về việc liệu toàn bộ quá trình xả nước thải có được thực hiện đúng kế hoạch hay không phải được chia sẻ với phía Hàn Quốc theo thời gian thực và các chuyên gia của chúng tôi phải được phép tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải này”.
Tổng thống Hàn Quốc cũng đề nghị rằng, việc xả thải phải được ngừng ngay lập tức nếu phát hiện nồng độ tập trung chất phóng xạ trong nước vượt quá tiêu chuẩn và phía Nhật Bản phải thông tin ngay lập tức cho phía Hàn Quốc.
Đáp lại, Tổng thống Kishida cho biết ông sẽ làm mọi cách có thể để bảo đảm sự an toàn của hoạt động xả nước thải và sẽ không xả nước thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dân Nhật Bản và Hàn Quốc, hay tới môi trường.
Ông Kishida cũng cam kết thông báo minh bạch và kịp thời kết quả việc giám sát xả thải. Ông cũng khẳng định rằng việc xả nước thải này được thực hiện theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), và cam kết trong trường hợp mức tập trung chất phóng xạ vượt quá giới hạn sẽ lập tức ngừng xả nước thải và tiến hành các biện pháp phù hợp.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trên diễn ra vài ngày sau khi IAEA phê chuẩn việc xả nước thải từ nhà máy Fukushima, khẳng định đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Theo kế hoạch, việc này sẽ được tiến hành từ tháng 8 tới.
Tuy nhiên, báo cáo của IAEA đã làm bùng phát những cuộc biểu tình phản đối tại Hàn Quốc và các nước láng giềng do lo ngại các tác động xấu tiềm ẩn đối với môi trường và con người. Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông tôn trọng kết luận của IAEA.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận rằng những cải thiện gần đây trong quan hệ song phương đã dẫn tới những kết quả cụ thể và tiếp tục phối hợp để phát triển quan hệ hướng tới tương lai.
Hai bên nhất trí nối lại hoạt động của cơ quan tham vấn kinh tế cấp cao song phương trong năm nay và xem xét các khả năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Giám đốc Cục Môi trường và sinh thái Hong Kong, ông Tse Chin-wan cảnh báo Khu hành chính đặc biệt thuộc Trung Quốc này sẽ cấm nhập khẩu hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản nếu Tokyo thực hiện kế hoạch xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra biển.
Theo quan chức trên, lệnh cấm nhập khẩu sẽ liên quan đến các loại hải sản tươi sống, đông lạnh, sấy khô hoặc dưới các dạng bảo quản khác, muối biển và tảo biển đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến.
Các biện pháp trên được đưa ra một ngày sau khi Trưởng đặc khu Hong Kong, ông Lý Gia Siêu thông báo rằng, thành phố này sẽ cấm hải sản từ nhiều tỉnh của Nhật Bản nếu Tokyo thực hiện kế hoạch xả nước thải nói trên.
Hong Kong là thị trường lớn thứ hai của Nhật Bản sau Trung Quốc đại lục về nông sản và hải sản. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, năm 2022, Nhật Bản xuất khẩu 75,5 tỷ yen (536 triệu USD) hải sản sang Hong Kong.