Ngày 18/2, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo phái đoàn của họ đã hoàn tất chuyến thanh tra kéo dài 5 ngày tại Nhật Bản, nhằm đánh giá mức độ an toàn trong kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Fukushima số 1) ra Thái Bình Dương.
Theo IAEA, trong chuyến thanh tra kéo dài từ ngày 14-18/2, phái đoàn đã thảo luận với giới chức Nhật Bản, xem xét kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật, đồng thời đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế của kế hoạch xả thải này.
Các chuyên gia của IAEA cũng đã đến thăm và thu thập các mẫu nước từ nhà máy Fukushima Daiichi.
Dự kiến, báo cáo chính thức về chuyến đi này sẽ được công bố trong vòng 2 tháng tới, với những thông tin cụ thể và chi tiết về các vấn đề kỹ thuật liên quan kế hoạch xả thải từ nhà máy Fukushima Daiichi.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi khẳng định: "Chúng tôi sẽ hoàn toàn minh bạch và độc lập trong các đánh giá và báo cáo của mình".
Trong chuyến thanh tra trên, ngoài các chuyên gia của IAEA còn có nhiều chuyên gia độc lập từ Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh.
Theo kế hoạch, các chuyên gia của IAEA sẽ tiếp tục có các chuyến đi tương tự tới Nhật Bản vào cuối năm nay và năm sau, đồng thời sẽ công bố một báo cáo toàn diện trước khi việc xả thải được triển khai.
Ngày 11/3/2011, một trận động đất độ lớn 9,0 gây sóng thần đã tàn phá vùng biển phía đông Nhật Bản, làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl hồi năm 1986.
Hiện khoảng 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ-một lượng đủ để lấp đầy khoảng 500 bể bơi có kích thước theo tiêu chuẩn Olympic-đang được lưu trữ trong các bể chứa tại nhà máy điện hạt nhân này.
Lượng nước này đã bị nhiễm xạ do được dùng để làm mát các thanh nhiên liệu urani nóng chảy từ các lò phản ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thảm họa động đất - sóng thần nói trên.
Tháng 4/2021, Nhật Bản đã quyết định xả thải dần lượng nước trên ra Thái Bình Dương trong vòng hai năm, thông qua Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS).
Hệ thống này có thể loại bỏ các nuclide phóng xạ, ngoại trừ tritium. Nỗ lực xả nước thải nhiễm phóng xạ của Nhật Bản nhận được ủng hộ của các cơ quan chức năng quốc tế, nhưng lại khiến các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc quan ngại.
Cư dân Nhật Bản sống gần khu vực nhà máy cũng lo lắng dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi sinh của họ.