Hàn Quốc và Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại

Những năm gần đây, quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc được cho là ở giai đoạn khó khăn, do các bất đồng liên quan vấn đề lịch sử. Song, những nỗ lực vừa qua từ cả Tokyo và Seoul trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương là bước tiến tích cực để hai nước vượt qua những khúc mắc trong quá khứ, cùng hướng tới tương lai hợp tác rộng mở.
0:00 / 0:00
0:00
Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc tọa đàm tại Tokyo. (Ảnh REUTERS)
Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc tọa đàm tại Tokyo. (Ảnh REUTERS)

Các chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (Yun Sớc Yên) đến Nhật Bản (tháng 3/2023) và của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) đến Hàn Quốc (tháng 5/2023) đánh dấu sự ấm lên rõ rệt trong mối quan hệ giữa hai nước đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á.

Quá trình bình thường hóa quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua các hoạt động đối thoại, cũng như ký kết các thỏa thuận hay quy chế ưu đãi thương mại giúp hai quốc gia láng giềng xích lại gần nhau hơn.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc từng yêu cầu một số công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên, khiến Tokyo đưa ra quyết định hạ cấp Hàn Quốc khỏi Danh sách trắng nhóm các đối tác thương mại đáng tin cậy.

Cùng với việc hai nước không gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, quan hệ hợp tác, hữu nghị song phương thêm rạn nứt và xuống dốc trong những năm qua.

Song, những động thái mới giữa hai quốc gia đang hướng tới cải thiện quan hệ kinh tế song phương, tạo cơ hội tăng cường trao đổi thương mại và mở ra trang mới trong mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc sau nhiều năm đóng băng.

Hàn Quốc và Nhật Bản mới đây đã nhất trí nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 10 tỷ USD. Thỏa thuận nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận các loại ngoại tệ trong giai đoạn khủng hoảng thông qua việc trao đổi các loại tiền tệ nội địa, đạt được trong cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Tài chính hai nước tại Tokyo, có hiệu lực trong 3 năm.

Trước đó, năm 2015, thỏa thuận hoán đổi đồng yên với đồng won đã hết hạn và chưa được gia hạn thêm khi quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Hai bên đồng thời nhất trí sẽ tiến hành thêm cuộc gặp cấp Bộ trưởng Tài chính tại Hàn Quốc năm 2024 nhằm duy trì liên lạc, thúc đẩy hợp tác và nối lại đàm phán song phương trong lĩnh vực thuế, vốn cũng bị đình chỉ từ năm 2016.

Tokyo đã bãi bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với Seoul, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhất trí cùng nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc mới đây cũng đã công bố bản sửa đổi danh mục xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng chiến lược.

Theo đó, Hàn Quốc sửa đổi một số quy định để đưa Hàn Quốc trở lại Nhóm A (nhóm các đối tác thương mại đáng tin cậy) của Nhật Bản, giúp Seoul được hưởng các ưu đãi xuất khẩu, cho phép các mặt hàng chiến lược xuất sang Nhật Bản được hưởng quy tắc ưu tiên trong thời gian xét duyệt và làm thủ tục giấy tờ đơn giản hơn.

Theo Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk Geun (An Đúc Gơn), niềm tin giữa hai quốc gia về việc kiểm soát xuất khẩu hiện đã được khôi phục hoàn toàn, từ đó, cả Hàn Quốc và Nhật Bản cùng hướng tới đẩy nhanh thực hiện các biện pháp tiếp theo, đã được thống nhất trong các cuộc đàm phán cấp cao gần đây.

Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí duy trì tham vấn các cấp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực thép, năng lượng và công nghệ.

Hai nước cũng cam kết phối hợp trong các vấn đề kinh tế và thương mại toàn cầu tại các diễn đàn đa phương, như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Việc Nhật Bản và Hàn Quốc nối lại các kênh đối thoại, cùng với những động thái gần đây nhất nhằm dỡ bỏ các rào cản chính sách giúp hai nước mở rộng cánh cửa hợp tác, "phá băng" quan hệ ngoại giao, xây dựng lòng tin và là dấu hiệu tích cực góp phần vào duy trì hòa bình và phát triển ở khu vực Ðông Bắc Á.