Thực tế cho thấy, tháng 5 đã là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số CPI của Nhật Bản tăng trong bối cảnh giá cả các loại hàng hóa thiết yếu đều tăng mạnh. Công ty phân tích True Data Inc của Nhật Bản mới đây cho biết, các công ty thực phẩm tại nước này đang bắt đầu tăng giá do giá nguyên vật liệu và dầu thô tăng, gây thêm khó khăn cho các hộ gia đình ở Nhật Bản vốn đã chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Cụ thể, giá dầu ăn trung bình tại các siêu thị trên toàn Nhật Bản đã tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái trong khi các sản phẩm bơ thực vật, mì ống và bánh mì trắng tăng khoảng 10%.
Giới phân tích cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến giá hàng hóa tăng mạnh ở Nhật Bản là do giá dầu thô và nhiều nguyên vật liệu khác đã tăng do tác động tiêu cực của xung đột tại Ukraine, sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, việc đồng yen mất giá nhanh so với đồng USD cũng khiến cho hàng hóa nhập khẩu càng trở nên đắt đỏ hơn. Thời gian qua, đồng yen đã mất giá mạnh so với đồng USD, chủ yếu do khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng nới rộng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên quyết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Trên thực tế, đồng yen đã bắt đầu mất giá mạnh so với đồng USD kể từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, đà mất giá của đồng tiền này đã nhanh hơn sau khi FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 22 năm vào tháng 5/2022. Tuần trước, tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc giảm xuống mức 135,60 yen/USD, cao nhất kể từ tháng 10/1998.
Các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, lạm phát ở Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn so với mục tiêu 2% của BoJ. Lạm phát tăng ở mức hơn 2% không phải là mối lo lớn với Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu lạm phát tiếp tục tăng trong khi tiền lương và lãi suất không tăng hoặc tăng chậm, thì sẽ khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân - một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của kinh tế Nhật Bản.
Tổ chức Nikkei Research mới đây phối hợp với đài truyền hình TV Tokyo thực hiện thăm dò dư luận về tác động của lạm phát với đời sống người dân. 64% số người được hỏi cho biết họ không thể chịu đựng tình trạng lạm phát do giá cả hàng hóa leo thang và đồng yen mất giá, trong khi chỉ có 29% cho biết có thể chịu đựng.
Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã xác định chống lại sự lao dốc của đồng yen và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân là “nhiệm vụ kép” quan trọng hiện nay. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nhật Bản, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết đồng yen lao dốc là điều “không mong muốn” vì tiềm ẩn nhiều bất trắc cho kế hoạch kinh doanh của các công ty. BoJ sẽ phối hợp với chính phủ để giám sát chặt chẽ các biến động tiền tệ và ứng phó một cách thích hợp.
Cùng với nỗ lực “vực dậy” đồng yen, Chính phủ Nhật Bản cũng đang nỗ lực bảo vệ người dân trước những cơn “bão giá”. Thủ tướng Kishida Fumio cho biết, chính phủ sẽ giải ngân gói biện pháp hỗ trợ trị giá 13.000 tỷ yen (96,3 tỷ USD) để kiềm chế giá bột mì, phân bón và năng lượng tăng cao. Chính phủ cũng sẽ tăng lương tối thiểu lên mức ít nhất 1.000 yen/giờ trong suốt năm tài chính hiện tại cho đến tháng 3/2023. Ðồng thời, Nhật Bản cũng dự định sẽ thiết lập hệ thống cho phép các công ty điện lực mua phần điện tiết kiệm được từ các doanh nghiệp tham gia vào chương trình tiết kiệm năng lượng.
Giá hàng hóa tăng mạnh ngay cả ở những nền kinh tế vốn giảm phát kéo dài như Nhật Bản cho thấy lạm phát đang trở thành “căn bệnh nguy hiểm” với mọi nền kinh tế trên toàn cầu. Ðể ngăn bão lạm phát, đòi hỏi cộng đồng quốc tế, nhất là các nền kinh tế lớn phải “đồng lòng nhất trí” trong các quyết sách về tài chính, hạ nhiệt điểm nóng chiến tranh Ukraine, khôi phục chuỗi cung ứng, gia tăng sản lượng khai thác dầu và tăng nguồn cung các hàng hóa thiết yếu khác.