Để đạt các mục tiêu trên, đòi hỏi thành phố phải kịp thời có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bởi trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang có dấu hiệu giảm sút.
Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố ước đạt 3.721 triệu USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 6,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,9%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu quý I giảm so với cùng kỳ năm trước như hàng dệt may (giảm tới 19,3%), phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 13,4%; hàng nông sản giảm 14,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 19,1%...
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát tăng cao khiến tổng cầu đang giảm trên toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến một số chuỗi cung ứng nguyên liệu, phụ liệu.
Một số thị trường nhập khẩu chính ngày càng siết chặt với nhiều điều kiện khắt khe hơn. Đơn cử, thị trường Trung Quốc đã mở cửa từ đầu năm 2023, nhưng lại đưa ra nhiều quy định mới, liên quan tới nhãn hàng, chất lượng, quy cách của hàng hóa... Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý, kiểm soát dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, dịch đậu mùa khỉ...
Do đó, thành phố cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo ra sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu; thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm sản xuất và cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất, kinh doanh...
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn; mở rộng và phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn...
Các đơn vị cần tích cực xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của doanh nghiệp Hà Nội; hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương tại thị trường Hà Nội và quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu... Về phía các doanh nghiệp, cần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, chủ động tiếp cận các đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường quốc tế.