Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch về “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin chủ động phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm. Trong đó, có mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Một trong những điển hình là di tích đền-chùa Bà Tấm (xã Dương Xá).
Ban Quản lý di tích cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dương Xá đã tổ chức đặt thùng phân loại rác với khẩu hiệu nhắc nhở mọi người phân loại rác, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; bố trí nhiều giỏ hoa tái chế từ các can nhựa đã qua sử dụng vừa để trang trí, vừa truyền tải thông điệp vì môi trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phân công năm cán bộ, hội viên là hướng dẫn viên tại di tích, hỗ trợ các đoàn tham quan khi có nhu cầu nghe giới thiệu thuyết minh về di tích.
Cán bộ, hội viên phụ nữ cũng thường xuyên lao động, dọn dẹp làm sạch khu di tích. Bên ngoài cổng tam quan, Ban Quản lý di tích cho in và treo biển Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa khi đến tham quan khu di tích, điểm du lịch. Sau một thời gian ngắn triển khai, di tích trở nên sạch, đẹp hơn.
Ở huyện Đông Anh, các di tích tại xã Cổ Loa được chọn làm nơi đầu tiên triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Ngoài di tích Thành cổ Cổ Loa, xã Cổ Loa còn nhiều di tích đình, đền, chùa khác. Để thực hiện Quy tắc ứng xử, xây dựng nếp sống văn minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cổ Loa đã tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích trên địa bàn xã.
Đồng thời, các chi hội phụ nữ vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh, các hộ gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích ký cam kết, trong đó có nội dung ứng xử văn minh, không chèo kéo khách. Từ việc triển khai xây dựng mô hình, các chị em đã tổ chức ra quân thực hiện nhiều đợt vệ sinh môi trường, dọn cỏ, rác, phế thải xây dựng ở đoạn đường tự quản được phân công từ ngã ba Chợ Sa vào khu di tích. Phối hợp cùng các ngành, đoàn thể ra quân thực hiện tuyến đường văn minh đô thị. Các tuyến đường vào di tích được trồng nhiều luống hoa, bồn hoa các loại, xanh hơn, sạch hơn.
Hà Nội có 5.922 di tích và việc xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự cũng là nội dung quan trọng của thực hiện Quy tắc ứng xử. Ngoài yêu cầu xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa-điểm đến an toàn, hấp dẫn” trong Kế hoạch 306/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về “Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”, tại Kế hoạch số 210/KH-UBND về tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, thành phố đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố xây dựng mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu”, với ít nhất 40 mô hình trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.
Cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã xây dựng năm mô hình điểm tại huyện Sóc Sơn và huyện Gia Lâm. Ngay sau đó, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai những mô hình trên địa bàn. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, đến nay, đã có 12 mô hình cấp thành phố, cấp huyện được triển khai tại nhiều địa phương. Tại các di tích, chị em phụ nữ đã lắp đặt hệ thống bảng quy tắc ứng xử; trồng thêm cây xanh, cây hoa trong các khu di tích; bổ sung ghế đá, thùng đựng rác tại các điểm danh lam, di tích…
Từ tháng 7/2023, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố sẽ nhân rộng mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” đến 35 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đoàn thể tiếp tục triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hóa-điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Điều này sẽ góp phần tạo nền nếp ứng xử văn minh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho các di tích.