Nhân rộng các mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những năm gần đây, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhiều địa phương triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Việc thực hiện phong trào được gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể, nhờ đó, người dân đã tích cực tham gia xây dựng nhiều mô hình điển hình tiên tiến, góp phần cùng lực lượng chức năng bảo vệ an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình tự quản về an ninh trật tự tại cổng trường học ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Mai Tú)
Mô hình tự quản về an ninh trật tự tại cổng trường học ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Mai Tú)

Để bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự ở khu vực cổng các trường học, gần 5 năm nay, cựu chiến binh Bùi Xuân Nhu và Công an xã An Ninh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” với sự tham gia của 15 thành viên. Hằng ngày, vào các giờ cao điểm, bác Nhu cùng với các thành viên của tổ tự quản luôn có mặt để phân luồng xe trước cổng trường, nhắc nhở cha mẹ đưa, đón con đi học chấp hành nghiêm Luật An toàn giao thông đường bộ.

Bảo đảm môi trường sống an toàn

Cựu chiến binh Bùi Xuân Nhu còn tích cực tuyên truyền, vận động, nhắc nhở những hộ kinh doanh ven đường chấp hành các quy định an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông; tổ chức cấp cứu người bị nạn và bảo vệ tài sản khi có vụ va chạm giao thông. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Ninh Phạm Ngọc Tú cho biết: Ba năm gần đây, xã được Bộ Công an tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngoài mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, xã xây dựng năm mô hình Tổ tự quản an ninh trật tự với hơn 100 thành viên hoạt động trên địa bàn năm thôn; duy trì năm tổ phòng cháy, chữa cháy với 50 thành viên; tám tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng với 175 thành viên...

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cũng được gắn kết với nhiều cách làm hay, tạo sức hút và đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Toại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Phúc cho biết: Xã vận động nguồn xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh với 37 mắt camera tại các vị trí trọng yếu trên địa bàn; trang bị một xe ô-tô tải nhỏ, ba xe mô-tô phân khối lớn cho Công an xã phục vụ công tác tuần tra; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, trường học, các thôn lắp đặt biển bảng thông báo và duy trì mô hình bốn an toàn về an ninh, trật tự…

Xã xây dựng hai mô hình điểm lắp đặt hệ thống “chuông báo cháy khẩn cấp” tại hai thôn. Từ dữ liệu camera an ninh, địa phương kịp thời phát hiện, phòng ngừa nhiều vụ việc liên quan an ninh trật tự. Ngày 2/8 vừa qua, thông qua khai thác hình ảnh người và phương tiện di chuyển trên tuyến đường, Công an huyện đã triển khai phương án vây bắt đối tượng Đào Văn Linh (sinh năm 1988, ở thôn Xuân Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), người đã gây ra 11 vụ cướp giật tài sản liên xã, liên huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Trưởng thôn Phúc Lập Trong, xã Tam Phúc cho biết: Toàn xã có 42 tổ liên gia tự quản. Tổ Liên gia số 3 của thôn Phúc Lập Trong khi thành lập có 25 hộ dân, đến nay đã phát triển thành 37 hộ, 161 nhân khẩu, có nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Tổ Liên gia tự quản tổ chức sinh hoạt, có công an chính quy tham dự; đã cung cấp cho lực lượng công an 361 tin báo, trong đó 70 tin có giá trị; tham gia hòa giải thành 26 vụ việc. Nhờ đó, gần 15 năm qua, trong tổ không có người nghiện ma túy, không xảy ra mất trộm tài sản, không có người vi phạm pháp luật bị khởi tố.

Nhân rộng các mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ảnh 1

Số điện thoại đường dây nóng kết nối tin báo của công nhân môi trường tới lực lượng chức năng. (Ảnh: Mai Luận)

Không chỉ dựa vào các tầng lớp quần chúng nhân dân để xây dựng các mô hình bảo vệ an ninh tại các khu dân cư, một số địa phương còn xây dựng các mô hình dựa trên lực lượng nòng cốt là công nhân vệ sinh môi trường, những người thường làm việc vào ban đêm trên các tuyến đường, có điều kiện nắm bắt thông tin, hoạt động của các loại tội phạm. Hơn một năm nay, Công an thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị, Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn vận hành mô hình “Công nhân môi trường-chiến sĩ tuần tra”, thu hút đông đảo công nhân, các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm.

Công an thành phố Thanh Hóa phối hợp hai đơn vị nêu trên tổ chức 850 buổi tập huấn nghiệp vụ, cách nhận diện đối tượng, xử lý các tình huống phòng vệ cho công nhân, công bố số điện thoại đường dây nóng trên 1.534 xe chở rác; lập nhóm Zalo, Facebook… để nắm tình hình, trao đổi thông tin. Bà Tống Thị Thọ, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị ghi nhận: Gần 600 công nhân của công ty đã viết đơn tình nguyện tham gia 30 mô hình Công nhân môi trường-chiến sĩ tuần tra.

Hơn một năm qua, công nhân đã cung cấp cho cơ quan công an hàng nghìn tin, trong đó 78 tin có giá trị. Qua đó hỗ trợ lực lượng công an xác minh, điều tra, kịp thời bắt giữ tội phạm, nhất là một số đối tượng trộm cắp tài sản… Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa Trịnh Huy Triều cho biết: Mô hình Công nhân môi trường-chiến sĩ tuần tra hiện phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh trật tự, được lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, đánh giá cao, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng.

Góp phần “hạ nhiệt” các điểm nóng

Đến xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh-xã nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay, không ai nghĩ rằng, những năm trước đây là địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự. Đã có thời điểm, tình trạng đơn thư, tờ rơi, tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm ma túy và tệ nạn cờ bạc gây bất an trên địa bàn. Các cấp ủy đảng của xã phối hợp lực lượng công an, quân sự, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Mô hình “Tổ dân cư đoàn kết, tự quản về an ninh trật tự” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chủ trì, phối hợp Công an xã được thành lập với 59 tổ với 1.211 thành viên tham gia. Ông Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Thanh Bình cho biết: “Đã thành thông lệ, cứ vào 23 giờ đêm, tổ tuần tra của thôn bắt đầu tuần tra quanh thôn. Mọi hoạt động bán hàng quán muộn, loa đài mở to, người lạ mặt vào thôn đều được tổ tuần tra kịp thời nhắc nhở.

Nếu xảy ra các tình huống hỏa hoạn, trộm cắp, đánh nhau tổ sẽ đánh kẻng báo động cho người dân, nhờ vậy thôn, xóm luôn yên bình”. Thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã tạo sự ổn định để xã Việt Dân bứt phá về kinh tế, xã hội, là xã nông thôn mới kiểu mẫu của thị xã Đông Triều. Tháng 7/2021, xã được Bộ Công an ghi nhận kết quả, kinh nghiệm công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã vùng tôn giáo và nhân rộng trên cả nước.

Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng việc chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm thực hiện bằng các giải pháp cụ thể là cách làm mà Công an tỉnh Điện Biên “hạ nhiệt” các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự. Đại tá Lò Văn Khụt, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển hóa an ninh trật tự cơ sở tại các địa bàn “nóng” về ma túy, di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy... Mỗi năm, Ban Giám đốc chọn một nội dung cụ thể để triển khai.

Năm 2017, triển khai Kế hoạch 420 của UBND tỉnh về chuyển biến địa bàn tại huyện Mường Nhé-một trong những địa phương “nóng” vì tình trạng di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy và bị ảnh hưởng xấu bởi nhiều đạo lạ. Năm 2018, Công an tỉnh lựa chọn chuyển hóa địa bàn tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, địa bàn phức tạp về ma túy, mua bán lẻ ma túy. Công an tỉnh đều phân công cán bộ, lãnh đạo các phòng, ban làm đội trưởng đội tăng cường về cơ sở vừa nắm tình hình, tham mưu xây dựng hoạt động và hướng dẫn công an xã, đoàn thể xã xây dựng các tổ tự quản về an ninh trật tự tại thôn, bản. Thành viên tổ tự quản sẽ là hạt nhân phong trào tại cơ sở, để khi tổ công tác rút về thì các thành viên này tiếp tục duy trì hoạt động.

Nhớ lại những ngày triển khai Kế hoạch 420 trên địa bàn Mường Nhé, Trung tá Nguyễn Duy Thái, khi ấy là tổ trưởng tổ công tác số 1 cho biết: Tại các điểm nóng về phá rừng, di cư tự do, như: Điểm bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn), Tá Phì Chà (xã Chung Chải) và xã Nậm Kè, thành viên các tổ công tác đều tổ chức đi tuần, tuyên truyền vận động nhân dân 24/24 giờ. Họp một lần dân bản chưa thông thì tổ công tác phải tổ chức họp lần hai, lần ba; thậm chí bản Cà Là Pá phải họp đến sáu lần thì nhân dân mới đồng ý với chủ trương và thống nhất cách di chuyển nhà cửa.

Với một số đối tượng mượn cớ bị ảnh hưởng quyền lợi đã kích động phụ nữ và trẻ em tụ tập chống đối, thành viên các tổ công tác đã sử dụng nhiều biện pháp, kiên trì bám trụ vận động kết hợp với răn đe, giáo dục để đối tượng hiểu và tự giác chấp hành. Đến cuối năm 2017, sáu tổ công tác thực hiện Kế hoạch 420 trên địa bàn huyện Mường Nhé đã hoàn thành rà soát toàn bộ nhân khẩu, hộ khẩu làm cơ sở cho việc cấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác cho 2.049 người, cấp 960 giấy khai sinh trẻ em.

Qua rà soát nhân khẩu, hộ khẩu, các tổ công tác đã phối hợp giải quyết nhiều điểm dân cư tự phát, như: Nhóm điểm ngã ba Phứ Ma của bản Phứ Ma; nhóm Gò Phù Thú, Á Di, Chí Xé, Thó Ngạ của bản Á Di, xã Leng Su Sìn; Tá Phì Chà, Húi To 1, 2 ở xã Chung Chải... Từ cách làm này, Công an tỉnh đã bảo đảm trật tự an ninh ở 33 xã phức tạp; từ đó, đề nghị Bộ Công an đưa 27 xã ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.