Nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

NDO - Phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn phải đối mặt với một số rào cản nhất định, như: vấn đề việc làm, sinh kế và định hướng nghề nghiệp; hạn chế trong tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin, nguồn vốn, các dịch vụ xã hội...
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo rà soát, xác định giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030.

Hội thảo được tổ chức nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021-2025.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lò Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc-Tôn giáo (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) nhấn mạnh, sau ba năm triển khai Dự án, tại 40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án được cấp ngân sách từ Trung ương đã tập trung vào đẩy mạnh thực hiện các nội dung: tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

 Nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ảnh 2

Trưởng ban Dân tộc-Tôn giáo Lò Thị Thu Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trưởng ban Dân tộc-Tôn giáo cho biết, chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình, tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, thực tế, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn phải đối mặt với một số rào cản nhất định, như: vấn đề việc làm, sinh kế và định hướng nghề nghiệp; hạn chế trong tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin, nguồn vốn, các dịch vụ xã hội; các vấn đề xã hội như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con và sinh con tại nhà trong đồng bào dân tộc thiểu số còn phổ biến…

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp, hoạt động cần thực hiện để giải quyết những vấn đề cấp thiết đó.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Dương Kim Anh cho biết, đối với mô hình sinh kế, phát triển kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đề nghị được điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng chỉ lựa chọn một số mô hình có khả năng phát triển để thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần tổ chức diện rộng, bao phủ để đa phần phụ nữ dân tộc thiểu số đều được tham gia các buổi truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng... Các hình thức tuyên truyền đa dạng như: tuyên truyền trực tiếp, các kênh truyền thông đại chúng, trang thông tin điện tử của các cấp Hội, của địa phương, qua mạng xã hội và tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông qua triển lãm lưu động.

Đồng thời, tích cực đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp và người uy tín trong cộng đồng để đạt được các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, cần chú trọng thu hút sự tham dự của nam giới trong các lớp học này. Đặc biệt, khi xây dựng và triển khai các khóa tập huấn cần chú ý nhiều hơn đến một số khó khăn, hạn chế của cán bộ cấp thôn, bản, cộng đồng.

Các ý kiến khác cũng nhấn mạnh, cần đa dạng các chủ đề đối thoại, đặc biệt chú trọng những vấn đề mới nảy sinh tại địa phương, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện; giải quyết và mở rộng đối tượng tham gia vào các hoạt động đối thoại, đặc biệt là đối với các nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc vùng Dự án.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ với các cơ quan cùng cấp thực hiện xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.