Đáng nói, chiếc phà vỏ thép duy nhất để đưa người dân qua lại xã đảo Tam Hải lâu nay bị hư hỏng trong lúc trời mưa to, gió lớn, nên người dân rất lo lắng mỗi khi qua bến phà bằng ghe máy…
Qua phà bằng ghe máy, người dân lo lắng
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Hải Hồ Thị Thương cho biết, phà vỏ thép Tam Hải tuyến từ xã Tam Quang đi qua Tam Hải bị hư hỏng từ ngày 8/11 đến nay, đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương và việc tập của các em học sinh.
Những lần trước, phà vỏ thép hư hỏng nhẹ, sửa chữa nhanh đáp ứng nhu cầu di chuyển người và phương tiện, lần này phà hư động cơ máy nên thời gian sửa chữa phải mất hơn tuần.
Trong khi phà vỏ thép bị hư hỏng, đưa đi sửa chữa, người dân phải qua lại bến phà Tam Hải bằng ghe nhỏ nên gặp nhiều khó khăn. Loại ghe gỗ nhỏ này, sức chứa khoảng 5-7 nên người dân phải gửi lại xe máy, ô-tô ở hai đầu bến phà, rất bất tiện.
Chị Phạm Thị Hạnh (thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải, huyện Núi Thành) cho biết, tôi đi làm tại một công ty ở Khu kinh tế mở Chu Lai. Khi phà vỏ thép bị sự cố, tôi qua sông bằng ghe gỗ rồi đón xe đò hoặc xe ôm chở đến công ty vừa tốn kém, mất thời gian và dễ bị trễ giờ làm việc.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam túc trực để bảo đảm an toàn cho người dân khi qua lại bến phà Tam Hải-Tam Quang. (Ảnh Q.T) |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Hải Hồ Thị Thương, để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền đại phương đã chỉ đạo gấp rút sửa chữa hư hỏng phà vỏ thép; phấn đấu ngày 18/1, sẽ trở lại hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cho nhân dân và các hoạt động trên địa bàn xã.
Trước mắt, Ủy ban nhân dân xã Tam Hải đã bố trí ghe, thuyền nhỏ để đưa người dân qua sông; đồng thời phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà bố trí lực lượng túc trực tại bến phà để hỗ trợ, nhắc nhở người dân tuân thủ an toàn khi tham gia giao thông trên sông nước. Về lâu dài, chính quyền địa phương đã trình hồ sơ thiết kế đóng mới hai phà, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng và đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bảo đảm an toàn cho người dân khi qua phà
Liên quan đến dự án đầu tư đóng mới 2 phà mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành Lê Văn Sinh cho biết, tháng 9/2024, Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành đã phê duyệt dự án đầu tư đóng mới 2 phà sức chở tương đương 30 tấn, bảo đảm vận chuyển hành khách, xe máy, xe thô sơ, xe ô-tô và một số phương tiện khác vượt qua sông Trường Giang, tuyến Tam Quang-Tam Hải, với tổng kinh phí đầu tư gần 25 tỷ đồng do Ủy ban nhân dân xã Tam Hải làm chủ đầu tư, được thực hiện trong giai đoạn 2024-2026.
Hiện, 2 chiếc phà mới đã thiết kế xong và đang giai đoạn thẩm định, sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ, chính quyền địa phương sẽ trình Sở Giao thông vận tải Quảng Nam và các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt.
Trong chuyến khảo sát thực địa mới đây tại xã đảo Tam Hải, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hư hỏng, sớm đưa phà vỏ thép trở lại hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và phát triển sản xuất.
“Trước mắt, chính quyền địa phương tìm kiếm các phương tiện tham gia hỗ trợ người dân qua lại, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình hoạt động, không vận hành đưa người qua lại trong điều kiện thời tiết nguy hiểm”, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết lưu ý.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ 2 từ trái sang) khảo sát tình hình sạt lở bờ sông và bến phà Tam Hải. (Ảnh: C.Q) |
Bí thư Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh sớm làm việc với Cục Đăng kiểm, tiến hành triển khai dự án đầu tư đóng 2 phà mới nhằm thuận lợi cho việc đi lại; bảo đảm an toàn cho người dân, du khách khi qua lại bến phà Tam Hải.
Những ngày qua, trong khi chờ đưa tàu vỏ thép trở lại hoạt động, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam đã bố trí lượng lượng túc trực tại bến phà Tam Hải để hỗ trợ người dân lên xuống phương tiện an toàn; đồng thời nhắc nhở chủ phương tiện chở đúng số người quy định, bảo đảm trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh và nhắc nhở người dân mặc áo, cài chốt an toàn khi ngồi trên ghe, tàu qua sông.
Đồng thời, không cho phép người và phương tiện sang sông khi biển động, mưa bão để bảo đảm tính mạng của người dân và phương tiện...