Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà cho biết, phong trào “Dân vận khéo” của thành phố đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, của các địa phương, cơ quan, đơn vị; trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự tham gia bằng tinh thần tự nguyện, tự giác của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, thành phố có hơn 10.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện trên bốn lĩnh vực: Xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và được đăng ký triển khai tại ba cấp: Cấp cơ sở; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp thành phố. Hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng và nhân rộng, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đại diện Ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai cho biết, chỉ trong giai đoạn 2018-2023, quận đã xây dựng được 1.431 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện có nền nếp. 100% số phường trên địa bàn quận đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền phường với nhân dân, qua đó đã tạo môi trường dân chủ, cởi mở.
Trong khi đó, Ban Dân vận Thị ủy Sơn Tây và Ban Chỉ huy quân sự thị xã xây dựng kế hoạch phối hợp, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện phong trào này, lực lượng quân đội và nhân dân các xã, phường tham gia đổ hơn 1.000 m2 bê-tông đường giao thông nông thôn; tu sửa 45km đường làng ngõ xóm liên thôn; khơi thông 11 km cống rãnh, xây 340m mương thoát nước thủy lợi nội đồng...
Trong thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và những hoàn cảnh cam go, thử thách như: Thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được đẩy mạnh. Qua đó, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội đã được nhân lên bằng những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tự nguyện; huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Dân vận Thành ủy cũng chỉ rõ một số hạn chế tồn tại. Đó là việc các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai có nhiều đổi mới, sáng tạo nhưng còn khó nhân rộng và thiếu tính bền vững. Nhiều địa phương vẫn còn khó khăn trong việc giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường, quản lý đất công và trật tự xây dựng. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa thực chất… Trong khi đó, thành phố đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải thật sự bền vững, hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế này và đưa phong trào ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận, đặc biệt là triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” với quan điểm trọng dân, gần dân, dựa vào nhân dân. Mọi công việc, mọi nhiệm vụ được triển khai đều phải hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống thu nhập, bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu việc triển khai phong trào “Dân vận khéo” trong tình hình mới cần hướng đến những công việc, nhiệm vụ cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, các chi bộ, tổ dân phố và thôn, xóm. Trong giai đoạn hiện nay, các cấp, các ngành cần tập trung vào việc động viên nhân dân giữ gìn ngõ, phố “sáng, xanh, sạch đẹp”; đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là cuộc cách mạng, là thời cơ và cơ hội để Thủ đô có bước đột phá.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phát huy vai trò giám sát, huy động sự vào cuộc của nhân dân trong việc tích cực đóng góp ý kiến nhằm phòng, chống tham nhũng, lãng phí. “Đặc biệt, thời gian tới, khi thành phố tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương lớn của Trung ương và thành phố, từ đó góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.