Nhân Ngày Trái đất 22/4: Sự đầu tư cần thiết

Với chủ đề “Hãy đầu tư vào hành tinh của chúng ta” nhân Ngày Trái đất 22/4, Liên hợp quốc đã kêu gọi hợp tác để phục hồi thiên nhiên vì hành tinh trong lành cho các thế hệ tương lai. Đây là thời điểm để thay đổi tất cả, từ môi trường kinh doanh, đến môi trường chính trị và cách thức con người hành động đối với khí hậu. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thế giới đã phải nếm trải những “cung bậc” thời tiết nóng lạnh thất thường, với các đợt nắng nóng nhất hay băng giá nhất nơi này hay ở nơi khác trong những năm qua. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), riêng năm 2021, nhiệt độ toàn cầu trung bình cao hơn khoảng 1,11oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, tiến gần mức giới hạn 1,5oC theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. 

Hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên với mức độ ngày càng khắc nghiệt và dữ dội hơn, như nhiệt độ kỷ lục gần 50oC ở Canada và Mỹ, lũ lụt nghiêm trọng ở châu Á và châu Âu, hạn hán ở châu Phi và Nam Mỹ, cháy rừng ở khắp nơi trên thế giới, từ Australia cho tới Siberia. Thống kê của tổ chức Christian Aid cho thấy ít nhất 1.075 người thiệt mạng và hơn 1,3 triệu người phải sơ tán trong 10 trận thiên tai được coi là lớn nhất năm 2021. 

Biến đổi khí hậu làm mùa bão ở Bắc Đại Tây Dương trong năm 2020 khắc nghiệt hơn bao giờ hết với số các trận mưa cực lớn tăng 10%. Các nhà khoa học ước tính, tình trạng ấm lên toàn cầu đang làm gia tăng cường độ và tần suất các cơn bão nhiệt đới lớn.
 
Các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng xuất phát từ một trong những nguyên nhân là do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực tới đời sống của nhiều người dân trên thế giới, nhất là những khu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai. 

Bà Amissa Irakoze, người đã có 40 năm sinh sống ven bờ hồ Tanganyika ở Burundi - hồ nước ngọt lớn thứ hai của châu Phi, chưa từng lo sợ nước hồ dâng, dù nước tràn vào nhà, vì sau đó nước lại rút đi. Tuy nhiên, bà Irakoze đã không lường trước được điều xảy ra vào tháng 4/2020. Sau khi kết thúc công việc đồng áng và trở về nhà, bà Irakoze sững sờ khi thấy ngôi nhà của mình chìm trong nước và 10 đứa con của bà mất tích. Rất may sau đó bà đã tìm lại được những đứa con và tất cả đều sống sót. 

Hai năm sau đó, nước trong hồ Tanganyika vẫn ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, do lượng mưa lớn bất thường liên quan đến tình trạng ấm lên của khí hậu trái đất. Bà Irakoze và gia đình phải sống trong một khu trại tạm bợ phía sau thành phố Gatumba, gần hồ Tanganyika. Việc chuyển đến sinh sống tại khu trại tạm để tránh nước lũ đồng nghĩa trẻ em không được đến trường và người dân vốn sống dựa vào nông nghiệp không còn kế sinh nhai. 

Theo ông Geoffrey Kirenga, Giám đốc tổ chức từ thiện Save the Children chi nhánh tại Burundi, lũ lụt đã nhấn chìm tất cả, từ nhà cửa, trường học, vườn tược, đến hoa màu, biến cả một thị trấn rộng lớn thành thị trấn “ma”. Trong số những người dân phải sơ tán do nước hồ Tanganyika dâng cao, có tới khoảng 65% là trẻ em. Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM), thiên tai là nguyên nhân khiến gần 85% trong số 113.000 người dân Burundi phải sơ tán trong nước. 

Trước thực trạng đáng lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc kêu gọi mọi chính phủ, doanh nghiệp và công dân trên thế giới đều phải có trách nhiệm, hành động một cách táo bạo, đổi mới trên diện rộng và thực hiện một cách công bằng các giải pháp về khí hậu. Để đạt được điều này, ngay từ bây giờ, thế giới cần chuyển sang một nền kinh tế bền vững hơn, có lợi cho cả con người và hành tinh.  

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST), một công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó những thách thức dài hạn, trong đó có biến đổi khí hậu. 

Tại Mỹ, quốc gia đang đi đầu về nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Bộ Giao thông Mỹ cho biết sẽ chi 6,4 tỷ USD trong vòng 5 năm để các bang tài trợ cho các dự án nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Số tiền này sẽ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ và người đi xe đạp, cũng như các dự án hỗ trợ triển khai các phương tiện sử dụng nhiên liệu thay thế. 

Theo đó, khoản tiền 6,4 tỷ USD sẽ dành cho các kế hoạch giảm phát thải của hoạt động giao thông, giảm  tình trạng tắc đường và các dự án trạm dừng xe tải, dự án giao thông công cộng như làn đường dành cho xe buýt nhanh hoặc xe buýt chuyên dụng, cũng như các hệ thống giao thông thông minh, thay thế hệ thống đèn đường và thiết bị kiểm soát giao thông tiết kiệm năng lượng. Giao thông là lĩnh vực phát thải khí carbon nhiều nhất trong nền kinh tế Mỹ, điều này có nghĩa giao thông phải trở thành một yếu tố chính trong giải pháp nhằm hạn chế lượng khí thải.

“Đầu tư vào hành tinh” là cách đầu tư “khôn ngoan” nhất và cần thiết hơn bao giờ hết bởi chống biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách đối với toàn nhân loại. Việc chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành trong cuộc chiến không tiếng súng này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả giúp bảo vệ “hành tinh xanh”.