Cảng Nghi Sơn, hàng "thúc" xây thêm bến

Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2010, cảng biển nước sâu Nghi Sơn có tổng diện tích 410 ha gồm ba khu: hai khu cảng chuyên dùng cho xi-măng và dầu khí, một khu hàng hóa tổng hợp. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải duyệt quy hoạch chi tiết cho tỉnh Thanh Hóa đầu tư, xây dựng, khai thác khu cảng địa phương đến năm 2010 diện tích 10 ha gồm ba bến, tổng chiều dài 550 m (hai bến 165 m cho tàu 10 nghìn tấn và một bến dài 225 m cho tàu 30 nghìn tấn).

Toàn bộ khu cảng địa phương đầu tư xây dựng làm ba giai đoạn: năm 2000-2003 hoàn thành bến số 1 cho tàu 10 nghìn tấn; năm 2004-2008 bến số 2 sẽ hoàn thành cho tàu 30 nghìn tấn và năm 2008-2010 hoàn tất bến số 3 cho tàu 10 nghìn tấn.

Vừa xây dựng vừa khai thác

Là một tỉnh lớn bắc miền trung, Thanh Hóa có nguồn hàng sản xuất trên địa bàn khá lớn: mỗi năm hơn ba triệu tấn xi-măng, nửa triệu m2 đá hoa ốp lát, sản phẩm của ba nhà máy đường, hàng công nghệ thực phẩm nông sản, thủy hải sản, lâm sản...

Cảng Lễ Môn đã có chỉ là cảng sông đón tàu 1.000 - 1.500 tấn quá nhỏ so với nhu cầu lưu thông hàng hóa. Do đó, Thanh Hóa huy động vốn vay, tháng 12-2000 bắt đầu khởi công xây dựng bến cảng số 1 và hệ thống đường giao thông 20 km nối với quốc lộ 1A. Bến số 1 có tổng vốn đầu tư là 250 tỷ đồng, công suất 500 nghìn tấn/năm, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2002. Sau hơn một năm hoạt động, năm 2003 bến số 1 cảng Nghi Sơn đã có khối lượng hàng hóa đăng ký 1,4 triệu tấn.

Trong thực tế, do nhu cầu bức thiết, cảng đã phải khai thác từ tháng 4-2002, tức là vừa thi công, vừa phục vụ vận tải. Trong khi trên bờ, cầu cảng, mặt bằng bến bãi chưa hoàn thiện, kho tàng còn tạm bợ, hệ thống thông tin chưa hoàn chỉnh. Dưới biển, các tàu công trình đang tiếp tục nạo vét, nhiều lúc phải nhường thời gian cho tàu hàng vào ra.

Khi Cục Hàng hải thông báo cảng thông luồng kỹ thuật tàu hoạt động tấp nập hơn. Hơn một năm, bến số 1 cảng Nghi Sơn đã đón 590 lượt tàu có sức chở từ 2.000 đến 3.000 tấn, trong đó ba tàu mang quốc tịch nước ngoài (Đan Mạch, Malaysia, Indonesia). Giám đốc cảng Nghi Sơn Vũ Quang Trạch nhận xét: ưu thế thu hút của cảng Nghi Sơn là luồng lạch ngắn và ổn định, thiết bị kỹ thuật, phao tiêu báo hiệu an toàn, tàu có thể ra vào cảng ngày và đêm. Lực lượng lao động bốc xếp dồi dào, có thể huy động 250 - 300 người bốc xếp liên tục ba ca. Giá bốc xếp phù hợp mặt bằng giá chung các cảng miền trung, bảo đảm cân đối chi phí sản xuất, thuế và khấu hao. Trật tự an ninh tuyệt đối an toàn và ổn định.

Bến số 1 đã quá tải

Quý I năm 2004, khối lượng hàng hóa đăng ký thông qua cảng xuất tăng gấp rưỡi cùng kỳ. Một số hàng đi Trung Quốc, Thái-lan, châu Ấu bắt đầu tập kết vào đầu tháng 3 tới. Đáng quan tâm là khu công nghiệp "Nam Thanh - Bắc Nghệ" ở đây bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhà máy xi-măng Hoàng Mai (Nghệ An) đăng ký vận chuyển loại bao xi-măng 1,5 tấn/bao với khối lượng 30 nghìn tấn/tháng. Các doanh nghiệp cổ phần hàng hải Hà Nội hợp đồng đưa hàng công-ten-nơ vào để tiếp nhận các loại hàng xuất. Khối lượng hàng công nghệ thực phẩm và nông sản tăng gấp  hai lần cùng kỳ.

Nhưng rõ ràng khối lượng hàng hiện có so với công suất bến số 1 500 nghìn tấn/năm là quá tải với mức cao. Bằng cách nào để đáp ứng nhu cầu hàng thông qua trong năm 2004 này?

Đơn vị quản lý cảng đề xuất: Nếu tỉnh cho phép đầu tư một tàu lai dắt công suất 1.200 sức ngựa để đủ điều kiện đón các tàu sức chở lớn hơn (từ 5.000 tấn trở lên) ra vào cảng an toàn, đồng thời đầu tư thêm thiết bị đồng bộ như cẩu bốc xếp, công-ten-nơ tạo ra một năng lực bốc xếp đa dạng, năng suất cao có thể khai thác bến số 1 vượt công suất thiết kế.

Giải pháp đầu tư chiều sâu này có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong ba, bốn năm tới trong khi chờ xây dựng bến số 2, nếu như việc triển khai đúng như kế hoạch.

THẾ NGHĨA