Bổ sung vốn giúp doanh nghiệp phục hồi

Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, cộng đồng doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, chức năng, điều doanh nghiệp mong mỏi lúc này là hệ thống tổ chức tín dụng xem xét, tiếp tục giảm lãi suất cho vay 2-3%/năm đối với tất cả các khoản đang phát sinh và các khoản vay mới.

Công nhân Tổng công ty Tiên Sơn (Thanh Hóa) may hàng xuất khẩu.
Công nhân Tổng công ty Tiên Sơn (Thanh Hóa) may hàng xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký tăng 21%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và duy trì ở mức cao, trong khi đó, thiếu hụt dòng tiền, nhất là dòng vốn rẻ, cũng đang là mối lo mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Bối cảnh này đòi hỏi cần phải có thêm những chính sách “tiếp sức” về dòng vốn, giúp doanh nghiệp nâng cao “sức khỏe” tài chính để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Doanh nghiệp “khát” vốn rẻ

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã có quá trình 35 năm phát triển, đang tạo việc làm cho khoảng 200 lao động với mức lương bình quân ổn định 8 triệu đồng/tháng.

Theo Giám đốc công ty Nguyễn Tất Quán, dù phải gánh chịu nhiều thiệt hại do tác động của đại dịch Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh sụt giảm, nhưng nhờ tiềm lực tài chính vững vàng nên doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định. Hiện công ty đang có dư nợ tại VietinBank Bắc Thanh Hóa 20 tỷ đồng, lãi suất dao động quanh mức 6%/năm về mức lãi suất này, theo nhận định của ông Quán, là ở ngưỡng “doanh nghiệp có thể chịu đựng được, có cơ hội để phát triển”.

Đánh giá cao các chính sách hỗ trợ cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất từ phía ngân hàng đối với doanh nghiệp, song ông Quán vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm hơn nữa. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn có thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2% mà hệ thống ngân hàng chuẩn bị triển khai.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tiên Sơn kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa Trịnh Xuân Lâm cho biết, giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng liên tục phải đối mặt với giãn cách kéo dài, hoạt động cầm chừng và phải áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ”,...

Các doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực chi phí tăng cao khi giá nguyên vật liệu, nhất là giá nhiên liệu tăng đột biến. “Để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi, ngành ngân hàng nên xem xét giảm lãi suất cho vay từ 2 đến 3%/năm cho tất cả các khoản vay đang phát sinh và các khoản vay mới; xem xét bổ sung vốn lưu động đối với các mục đích bù đắp chi phí trích khấu hao tài sản cố định do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất; đồng thời, nới rộng tín dụng trong việc cho vay vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào trong tình hình giá cả tăng cao”, ông Lâm kiến nghị.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 27 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 15 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.

Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, số doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất thấp. Việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về hạn mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác.

Vì vậy, đối với những khoản vay vượt thẩm quyền của chi nhánh, doanh nghiệp thường bị chậm về thời gian, không đáp ứng được nhu cầu vay vốn, làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Do đó, ông Đoan kiến nghị, các ngân hàng cần xem xét một số điều kiện tín dụng sao cho phù hợp từng nhóm doanh nghiệp, ở từng địa phương và nên xem xét tăng thêm quyền quyết định hạn mức cho các chi nhánh và giao chi nhánh chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công-nông nghiệp Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, để phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư, từ con người đến nguồn vốn. Vì vậy, ngành ngân hàng cần có chính sách ưu đãi về lãi suất và tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, do đây là lĩnh vực có lợi nhuận thấp và thời gian hoàn vốn dài.

Nỗ lực cung ứng vốn

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đà phục hồi của nền kinh tế khiến nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Chính sách hỗ trợ lãi suất cũng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, khiến tín dụng tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thể hiện quan điểm xuyên suốt là tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong khi sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT,...

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,04%, gấp hơn 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (2,16%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ. “Điều này cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tích cực, chứng tỏ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ đang rất hiệu quả, giúp đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục trở lại tốt hơn”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhìn nhận.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho hay, mặc dù lãi suất huy động có tăng so với năm 2021, nhưng lãi suất cho vay của phần lớn các tổ chức tín dụng vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2022.

Việc duy trì lãi suất cho vay thấp không chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà còn tiết giảm chi phí hoạt động thông qua việc tăng dịch vụ để hút dòng vốn rẻ khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng tăng. “Cho đến hiện tại, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay.

Để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn, góp phần điều hòa chi phí huy động vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner, trong thời gian đầy thách thức do đại dịch Covid-19, nhờ các khoản đầu tư từ trước vào công nghệ và hạ tầng số hóa, Techcombank đã duy trì được hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng tài chính xuyên suốt thời gian giãn cách kéo dài. Để hỗ trợ các khách hàng trong thời gian đại dịch, Techcombank mở rộng gói hỗ trợ Covid-19, tiến hành cơ cấu gần 11,8 nghìn tỷ đồng dư nợ trong năm 2020 và 2021, đồng thời miễn giảm 540 tỷ đồng lãi suất.

Với sự đồng hành của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch đã có thể thu xếp việc trả nợ, giúp giảm mạnh tổng dư nợ tái cơ cấu xuống 1.900 tỷ đồng vào cuối năm 2021 (tương đương 0,5% tổng dư nợ). 

Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được ghi nhận là một trong những ngân hàng “mạnh tay” nhất trong việc giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng trong năm 2021.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, ngay những ngày đầu quý I/2022, ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp lớn với quy mô 30 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, từ ngày 1/3, khách hàng doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4%/năm để bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh. Chính nhờ những giải pháp tích cực và cụ thể như vậy, ngành Ngân hàng càng thể hiện nỗ lực “tiếp sức”, cung ứng nhiều hơn dòng vốn rẻ đến nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.