Sau 20 năm thực thi, đã đến lúc Luật Di sản văn hóa 2001 được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Ðiều này đang được cụ thể trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) soạn thảo.
So với Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tăng từ 7 chương lên 10 chương, từ 74 điều lên 154 điều, trong đó tách bảo tàng thành một chương riêng; bổ sung các chương: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, Chuyển đổi số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đưa di sản tư liệu vào hệ thống pháp luật
Việt Nam đã có chín di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, trong đó có ba di sản tư liệu thế giới (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long) và sáu di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu giai đoạn 1689-1943). Không những thế, Việt Nam sở hữu khối di sản tư liệu đồ sộ ở nhiều địa phương, được lưu trữ trong các đền, chùa, miếu phủ, thư viện, bảo tàng và các tư gia, từ đường, dòng họ.
Với nhiều giá trị và ý nghĩa nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, nhưng cho đến nay, di sản tư liệu chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa hay bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào. Việc bổ sung loại hình di sản này vào hệ thống pháp luật phù hợp mong muốn của nhiều địa phương, đặc biệt những địa phương có tiềm năng về di sản tư liệu.
Gồm 17 điều, bao quát từ phân loại di sản tư liệu; kiểm kê, ghi danh di sản tư liệu vào danh mục quốc gia và UNESCO; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi danh mục quốc gia và danh mục di sản tư liệu của UNESCO; nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu sau khi được ghi danh; bảo quản; bản sao; đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu... các nội dung của di sản tư liệu thu hút sự quan tâm của các địa phương có và chưa có di sản tư liệu được ghi danh.
Làng Trường Lưu xưa, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh sở hữu ba di sản tư liệu được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) ghi danh. Ðó là Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu giai đoạn 1689-1943. Hậu duệ các dòng họ như họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, họ Hà ở Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần (Nam Ðàn, Nghệ An) cũng như cộng đồng, bà con làng Trường Lưu và các vùng chung quanh đang chung tay lưu giữ, bảo quản di sản tư liệu này.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu nhìn nhận, di sản tư liệu là loại hình mới trong nhận thức của cộng đồng, vì vậy tuyên truyền để cộng đồng hiểu, bảo vệ, đề cử các danh hiệu và bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu vô cùng quan trọng.
Góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh cũng như thẩm định dự án, đề án đối với các di sản tư liệu, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ phân tích, những di sản tư liệu do Nhà nước quản lý, vừa có đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, vừa có nguồn kinh phí từ Nhà nước và tài trợ.
Ðối với di sản tư liệu thuộc sở hữu tư nhân, lưu giữ trong các nhà thờ dòng họ, tư gia… cần cụ thể các điều kiện tiếp cận, tham gia dự án, đề án của Nhà nước trong cải tạo, bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị di sản tư liệu. Bên cạnh đó, cần xác định rõ chủ thể và trách nhiệm của từng chủ thể trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu, mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với cá nhân, cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh… nhằm tạo đà cho di sản tư liệu phát huy tốt giá trị vốn có.
Di sản văn hóa là thế mạnh, tiềm năng lớn để tỉnh Ninh Bình xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Trên địa bàn tỉnh đang có hàng nghìn văn bia, sắc phong, thần tích, thần phả, hương ước, ván khắc in kinh, hoành phi câu đối… Tiêu biểu là hệ thống văn bia Hán Nôm có lịch sử nối tiếp, liên tục gần 1000 năm. Ðược tạo tác, chạm khắc trên đá, đa số văn bia được đặt ngoài trời, trên các vách núi đá tự nhiên, do chịu tác động của thời tiết, sự phong hóa của đá, xâm thực của rêu, một số văn bia bị nứt vỡ, mờ chữ.
Ngoài ra, trải qua chiến tranh, nhận thức, quan điểm mỗi thời kỳ khác nhau, một số văn bia đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn. Hàng nghìn bản sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, các thần tích-thần phả, gia phả, tài liệu xuống cấp, mục nát, thậm chí mất trộm... do tư nhân lưu giữ, bảo quản chưa đúng cách.
Những văn bia Hán-Nôm về vùng đất Ninh Bình là nguồn tư liệu quý phản ánh địa chí, lịch sử, danh nhân, các di tích lịch sử văn hóa, đời sống xã hội và tâm linh cũng như tập tục sinh hoạt của nhân dân qua các thời kỳ. Tuy nhiên những tư liệu này chưa được phiên dịch, hệ thống hóa, lưu trữ, bảo quản, khai thác và số hóa bài bản.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Nguyễn Mạnh Cường
Trong Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 không có quy định về định nghĩa, nhận diện, ghi danh cũng như các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu. Ninh Bình đang vận dụng các quy định về bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích, danh lam thắng cảnh để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu. Việc luật hóa di sản tư liệu là cơ sở pháp lý quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản tư liệu nói riêng.
Một nội dung bị bỏ ngỏ lâu nay được nhiều địa phương mong đợi trong lần sửa đổi luật lần này là nhận diện và kiểm kê di sản tư liệu. Do chịu tác động rất lớn bởi các yếu tố tự nhiên và xã hội, nhiều di sản tư liệu mai một, có nguy cơ biến mất. Sở hữu hệ thống di tích đa dạng và hệ thống di sản phi vật thể phong phú của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, nhưng An Giang chưa có di sản tư liệu nào được đưa vào danh mục quốc gia hay khu vực. Tỉnh chưa thực hiện đợt kiểm kê di sản tư liệu nào.
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ tỉnh, An Giang có 62 sắc phong ở các đình làng, chữ cổ trên bia đá Thoại Sơn. Vùng Bảy Núi có khoảng 179 bộ kinh lá buông với hơn 924 quyển, nằm tại một số ngôi chùa lớn của người Khmer thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Những bộ kinh này có tuổi đời khoảng hơn 100 năm, hầu hết viết bằng chữ Pali và chữ Khmer cổ. Ðối chiếu với tiêu chí ghi danh di sản tư liệu tại Ðiều 88, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Kinh lá buông của cộng đồng Khmer An Giang đáp ứng các tiêu chí đưa vào danh mục di sản tư liệu quốc gia hướng đến đề cử vào MOWCAP.
Vì thế, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý để tiến hành thực hiện kiểm kê, nhận diện, lập danh mục, từ đó lựa chọn, đề xuất nguồn di sản tư liệu tiêu biểu, có giá trị và tầm ảnh hưởng để nghiên cứu lập hồ sơ đề cử ghi danh theo từng cấp.
Cần sớm ghi danh di sản công nghiệp
Tuy chưa được đưa vào trong dự thảo, nhưng di sản công nghiệp được quan tâm và đề xuất bổ sung vào hệ thống pháp luật cùng các khái niệm về di sản số, di sản đô thị... Trên thế giới, nhiều quốc gia đã công nhận di sản công nghiệp là một phần của di sản văn hóa nói chung, một số di sản công nghiệp đã được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa thế giới, bao gồm các nhà máy, hầm mỏ từ thời cách mạng công nghiệp đến nay. Nhật Bản có ba di sản là mỏ bạc Iwami Ginzan, các địa danh trong cuộc cách mạng công nghiệp thời Minh Trị, nhà máy dệt lụa Tomioka; Indonesia có một di sản là mỏ than Ombilin; Ấn Ðộ có một di sản là hệ thống đường sắt trên núi.
Chiếu theo định nghĩa của Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, Việt Nam đã và đang sở hữu rất nhiều công trình công nghiệp cũ có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật, từng là biểu tượng, bằng chứng sống động cho một giai đoạn phát triển của đất nước như: Nhà máy Dệt Nam Ðịnh, Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy Dệt kim Ðông Xuân, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Khu Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Ðóng tàu Ba Son, Nhà máy Trần Hưng Ðạo, Trần Phú, Cơ khí Gia Lâm, Ga Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Cao-su Sao Vàng, Nhà máy thuốc lá Thăng Long…
Quan tâm vấn đề này, vừa qua, Hà Nội đã khai mạc tuần lễ của Lễ hội Thiết kế sáng tạo, với chủ đề dòng chảy, lấy di sản làm nền tảng của sáng tạo, nhiều di sản công nghiệp đã được “đánh thức”. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp được xây dựng từ thời Pháp thuộc, rộng 22 ha là địa điểm chính tổ chức hơn 60 hoạt động quy tụ hơn 200 đơn vị tham gia. Giới hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc, thời trang… đã tái thiết kế, biến hình các nhà xưởng, tháp nước thành tổ hợp không gian văn hóa sáng tạo. Tháp nước Hàng Ðậu được tân trang trở thành không gian nghệ thuật đặc sắc. Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam đưa vào khai thác tuyến tàu Hành trình di sản, khởi hành từ ga Hà Nội, ga Long Biên đi qua cây cầu Long Biên vắt ngang sông Hồng, đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều địa phương nước ta, không ít di sản công nghiệp đã bị phá bỏ để xây dựng các đại đô thị thay vì hồi sinh, tái sử dụng, kiến tạo nên các không gian công cộng, khu liên hợp văn hóa nghệ thuật sáng tạo vừa phục vụ cộng đồng, vừa nuôi dưỡng các ngành công nghiệp văn hóa. Khẳng định đây là một loại hình di sản văn hóa, Phó GS, TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Cục Di sản văn hóa chủ động nghiên cứu các phần còn lại của các nhà máy, đưa di sản công nghiệp vào hệ thống pháp luật, hướng dẫn các địa phương các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị các di sản ngay từ bây giờ, không để di sản bị mai một thêm nữa.
Có thể thấy di sản văn hóa vừa là tiềm năng, vừa là thế mạnh. Việc hoàn thiện chính sách, giải pháp để nhận diện và quản lý di sản sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả. Lần sửa đổi Luật Di sản văn hóa này hy vọng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc mà những điều luật cũ không đáp ứng được trong thực tế phát triển, giúp cho di sản không chỉ là tài sản của quốc gia, dân tộc mà còn đóng góp tích cực trong quá trình phát triển của đất nước.