Điều tra qua thư bạn đọc

Nhận diện các chiêu trò lừa đảo xin việc làm

Thời gian qua, Báo Nhân Dân nhận được nhiều đơn, thư của bạn đọc phản ánh về tình trạng một số cá nhân, tổ chức tự nhận là có sự quen biết với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nhà nước để lừa đảo xin việc làm trực tiếp, lừa đảo qua mạng xã hội, làm nhiều người dân bị “sập bẫy”. Bạn đọc cho rằng, tình trạng nêu trên đã làm cho hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người dân và mất an ninh - trật tự.

Mất tiền, vẫn không có việc làm

Núp bóng danh nghĩa cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, Lương Thị Thúy Hải, sinh năm 1975, hộ khẩu thường trú tại thôn Tính Ninh, xã Trung Nghĩa (TP Hưng Yên, Hưng Yên), tạm trú tại 273 Nguyễn Đức Thiện (Gia Lâm, Hà Nội), luôn tự giới thiệu mình có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao, có khả năng xin việc làm tại nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước. Qua “dắt” mối từ bạn bè thân thích, ông Nguyễn Đình Tung, ở thôn Minh Hải, xã Lạc Hồng (Văn Lâm, Hưng Yên) biết Lương Thị Thúy Hải là đồng hương, liền đánh tiếng nhờ Hải xin cho con trai ông vào làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Gặp được “khách sộp”, Lương Thị Thúy Hải hứa: “Sau ba tháng con trai ông Tung sẽ có việc làm”. Không nghi ngờ, ngay sau đó, ông Tung đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản số 312020526416 của Lương Thị Thúy Hải, mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh huyện Gia Lâm (Hà Nội). Chờ mãi không thấy con trai được đi làm, ông Tung đã nhiều lần điện thoại cho Lương Thị Thúy Hải, nhưng chỉ nhận được những lời hứa suông, hoặc tắt máy. Nhiều lần như vậy, ông Tung mới nhận ra mình bị lừa.

Anh Nguyễn Văn Phương, ở xã Phúc Thành (Kinh Môn, Hải Dương) bị “sập bẫy” lừa đảo của Lương Thị Thúy Hải, là do anh Phương muốn xin cho con gái đi học ở các trường thuộc lực lượng vũ trang. Qua nhiều “cầu” giới thiệu, anh Phương mới gặp được Hải. Với thủ đoạn lừa đảo như trường hợp ông Nguyễn Đình Tung, Lương Thị Thúy Hải nói với anh Phương rằng, có một chỉ tiêu vào Trường trung cấp cảnh sát, chi phí mất 450 triệu đồng, nếu đồng ý thì chuyển luôn tiền cho Hải lo liệu thì con anh Phương được đi học ngay.

Theo cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Hội, sau khi Lương Thị Thúy Hải bị khởi tố, cơ quan Cảnh sát điều tra đã công khai hành vi lừa đảo của Hải để người bị hại có cơ hội khai báo. Đến cuối tháng 4-2016, phát hiện thêm một số nạn nhân mới là anh N.V.Đ ở xã Bảo Khê (TP Hưng Yên, Hưng Yên) và ông Đ.V.D, ở phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) cũng bị Lương Thị Thúy Hải lừa đảo xin việc làm cho con, cho cháu vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, làm lái xe của một đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Tổng số tiền Hải lừa đảo lên tới hơn 900 triệu đồng.

Tại tỉnh Bắc Giang, qua tìm hiểu được biết, cuối tháng 3-2016, Công an tỉnh này đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng là Phạm Minh Tuấn, thường trú tại xã Bình Nguyên (Kiến Xương, Thái Bình) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 450 triệu đồng, thông qua hình thức xin việc làm cho một số người dân ở thị trấn Bích Động và xã Hồng Thái (Việt Yên, Bắc Giang). Để tạo “vỏ bọc” cho người dân tin tưởng, Phạm Minh Tuấn thường mặc bộ quân phục đại tá. Đi đến đâu, y cũng tự giới thiệu mình đang công tác trong quân đội. Ai có nhu cầu xin cho con, cháu học tại Học viện Hậu cần, Học viện Kỹ thuật quân sự, hay Trường Sĩ quan lục quân… đều được và phải chi phí từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ lừa đảo liên quan đối tượng Phạm Minh Tuấn; đồng thời thông báo, ai là người bị hại, hãy đến Công an tỉnh Bắc Giang trình báo, hoặc điện thoại theo số 02403822566.

Bạn đọc có tên là Hoàng Diệp, ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), bức xúc phản ánh: Tình trạng lừa đảo xin việc làm không chỉ diễn ra trực tiếp. Một số đối tượng, cơ sở giới thiệu việc làm “ma” còn liên kết lừa người lao động rất ngoạn mục qua mạng xã hội Facebook để tùy tiện thu phí. Cách đây không lâu, qua in-tơ-nét, Hoàng Diệp tìm đến một số cơ sở giới thiệu việc làm có địa chỉ tại ngõ 377 và số 276, số 479 đường Giải Phóng (Hà Nội), nhờ giới thiệu việc làm. Sau khi nộp phí 200.000 đồng, Hoàng Diệp được giới thiệu xuống một cơ sở bán vé máy bay trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Tại đây, nhân viên của cơ sở này khẳng định mức lương khởi điểm là ba triệu đồng. Nhưng muốn làm việc phải đóng thêm 150.000 đồng phí đào tạo bán vé máy bay mới được tiếp nhận. Quay lại cơ sở đầu tiên đòi lại tiền đóng phí thì họ trả lời: “Đã giới thiệu địa chỉ đến làm việc rồi còn đòi gì nữa”. Không có tiền đóng phí đào tạo bán vé máy bay ở cơ sở thứ hai, Hoàng Diệp đành ngậm ngùi bỏ cuộc vì biết mình bị các cơ sở môi giới việc làm nêu trên “đánh võng” để thu tiền là chính. Đại úy, Phó Trưởng Công an phường Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) Mai Thanh Hà cho biết: Các cơ sở giới thiệu việc làm nêu trên nằm trên địa bàn phường quản lý, hoạt động có biểu hiện sai phạm là có thật, đã bị Công an phường lập hồ sơ dẹp bỏ từ lâu. Thượng tá Trần Đình Hùng, Phó Đội trưởng Đội 3, cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Bình quân, Đội 3 phải xử lý gần 100 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân một năm. Trong đó, có nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo xin việc làm, xuất khẩu lao động.

Nhận diện hành vi của các đối tượng lừa đảo cho thấy: Chúng thường lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân ngày càng tăng, nhiều người có kinh tế khá giả, thích xin cho con, cháu vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Từ đó, các đối tượng thực hiện lừa đảo thông qua mánh khóe hóa trang là cán bộ cao cấp, hoặc quảng cáo truyền miệng có quan hệ rộng, có thể chạy được việc làm, hoặc xin đi học tại các trường của lực lượng vũ trang. Nhưng sau khi nhận tiền (có vụ lên tới nhiều tỷ đồng), các đối tượng đều không thực hiện thậm chí bỏ trốn…

Để tránh “sập bẫy”

Tại các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hiện nay xuất hiện khá nhiều cơ sở, trung tâm giới thiệu, tuyển dụng việc làm. Nhiều cơ sở, trung tâm quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Theo quảng cáo, họ cần tuyển rất nhiều vị trí như làm giám đốc, làm công tác quản lý, làm theo chuyên môn, lái xe...; tuyển sinh viên làm việc bán thời gian; tuyển bảo vệ các tòa nhà, ngân hàng, được miễn phí nhà ở, đi làm ngay, đến các công việc đơn giản như tuyển tạp vụ, giúp việc; tuyển nhân viên đánh máy tính, nhập dữ liệu làm việc tại nhà. Đối tượng được tuyển lĩnh vực này chỉ cần có máy tính kết nối in-tơ-nét là có thể tham gia với mức lương rất hấp dẫn. Có những vị trí được tuyển làm nhân viên soát vé rạp chiếu phim, trình độ trung học được hưởng mức lương hằng tháng từ bảy triệu đồng đến 10 triệu đồng; có vị trí lương thỏa thuận tới 15 triệu đồng… Nguyễn Thu Hà, sinh viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) bức xúc: Họ cứ “tung” quảng cáo bừa lên mạng thôi. Thực tế, ở Hà Nội có những cơ sở, trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm chỉ xuất hiện một thời gian ngắn là thay đổi vị trí, địa điểm, thay biển hiệu thành một cơ sở, trung tâm khác, rất khó phát hiện đâu là các cơ sở, trung tâm giới thiệu việc làm chân chính, cho nên nhiều sinh viên, học sinh, người lao động vẫn bị sập bẫy lừa đảo xin việc làm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội cho biết: Hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm là một loại hình mới ở nước ta, cho nên cơ chế quản lý loại hình này chưa đồng bộ, chưa đầy đủ. Đối với các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm nghiêm chỉnh, luôn phải chịu sự tác động cạnh tranh không bình đẳng với các cơ sở, trung tâm giới thiệu việc làm chưa hợp pháp. Nhận diện các cơ sở bất hợp pháp không khó lắm vì các cơ sở này thường ít nhân sự, chỉ có vài người; địa điểm văn phòng của họ thường thuê trong các ngõ, ngách, khó tìm; họ tuyển lao động nhằm mục đích là thu phí bất hợp pháp, trên cơ sở quảng cáo các loại việc làm đơn giản, như nhân viên văn phòng, trực điện thoại, bán hàng thêm, cộng tác viên…

Để tránh cho người lao động không bị sập bẫy lừa đảo, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là UBND các quận, huyện, phường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm; đồng thời các cấp chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm các đơn vị sai phạm. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh một giải pháp khác là quy định bắt buộc các cơ sở, trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm phải công khai quy trình hoạt động, mức thu phí và thông tin chính xác về các nội dung giới thiệu việc làm liên quan người lao động. Quan trọng hơn là người lao động phải đề phòng, bằng cách tìm đến các đơn vị hoạt động có uy tín, thận trọng kiểm tra và trao đổi kỹ thông tin trước khi nộp tiền. Nếu thấy các biểu hiện vi phạm, người xin việc nên báo ngay cho các cơ quan quản lý biết.