NHÂN DÂN – một môi trường lý tưởng để rèn nghề

NDO -

Để có kiến thức thực tiễn và cơ hội được cọ xát nghề nghiệp ngay từ những ngày đầu ngồi trên giảng đường báo chí, trường tôi – Học viện Báo chí và Tuyên truyền (ngày đó là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền) đã yêu cầu mỗi sinh viên phải lựa chọn gắn bó với ít nhất một cơ quan báo chí. Không ngần ngại, tôi đã chọn Nhân Dân – tờ báo Đảng để làm “mẹ đỡ đầu” cho những kiến thức non nớt về thực tiễn báo chí và những tin, bài đầu tay của mình.

NHÂN DÂN – một môi trường lý tưởng để rèn nghề

PGS,TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG

(Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Bởi ngay từ thời phổ thông, tôi đã có cơ hội đọc báo Nhân Dân thông qua những tờ báo hằng ngày bố tôi cầm về. Tình yêu với tờ báo Đảng cứ lớn dần... và mong ước có một ngày sẽ được đứng dưới gốc cây đa cổ thụ 71 Hàng Trống!

Suốt từ năm 1995-1999, tôi đã thực tập nghiệp vụ ở Ban Chính trị - Xã hội và gắn bó bán thời gian với Nhân Dân, tôi đã có rất nhiều cơ hội được “học, đọc, đi, nghĩ, viết”. Các cô chú, anh chị làm báo ở đây đã chỉ bảo, hướng dẫn tôi từ những điều nhỏ nhất trong hoạt động báo chí, đã giúp tôi gắn kết được lý thuyết học ở giảng đường với thực tiễn báo chí sôi động.

Lần đầu tiên được đi viết tin cùng cô Kim Anh (Trưởng ban Chính trị - Xã hội ngày đấy) nhưng vì xe hỏng nên tôi đã đến muộn hai phút, bị cô cho ở nhà. Cô đã dạy cho tôi bài học về tính kỷ luật trong nghề báo. Mẩu tin đầu tiên đăng trên báo Nhân Dân (chỉ ngắn bằng diện tích của cái bao diêm) mà tôi phải viết tới... 21 lần! Chú Thế Lân (Phó Trưởng ban lúc ấy) đã dạy tôi cách học nghề thông qua mỗi bản thảo và biết trân trọng từng bản thảo. Chú nói với tôi: “Mỗi bản thảo đều có cuộc đời của nó!”. Chỉ tiếc là chưa lần nào được “bám càng” chú để viết về Quốc hội! Tôi được cơ hội theo chân chị Phương Hiên để viết về phụ nữ, công an; được biết một chút kiến thức khi viết về quân đội qua chú Duy Phục, về hải quan qua anh Tuấn Phong, về Đoàn qua anh Song Linh, về trẻ em qua anh Thế Huân...

Và những kỹ năng đầu tiên về đánh máy vi tính tôi cũng được học từ Báo Nhân Dân. Ngày ấy, cả ban chỉ có một máy tính do chú Trịnh Sơn - thư ký ban quản lý. Ngoài những lúc theo chân các cô chú, anh chị đi làm tin, viết bài... tôi có cơ hội được thư ký ban cho sử dụng máy tính để giúp chú đánh và sửa bản thảo cho cả ban. Và thế là, ngoài cơ hội được học đánh máy và sử dụng vi tính, tôi còn được học cách biên tập, các ký hiệu biên tập, những “ngón nghề” của từng cô chú... thông qua các bản thảo. Rồi khi làm chân lon ton, chạy bản thảo từ ban này sang ban khác..., tôi lại có cơ hội được làm quen, giao lưu, học nghề từ các cô chú, anh chị ở khắp tòa soạn; được chú Đinh Thế Huynh (Phó Tổng Biên tập), chú Tô Vương (Trưởng ban Khoa giáo), chú Hải Đường (Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần), chú Thanh Phong (Trưởng ban Xây dựng Đảng)… nói chuyện về nghề; được học “lỏm” cách sắp xếp, bố trí tin bài trên mỗi trang báo của Ban Thư ký – Biên tập... Những ngày không bị giao việc, tôi lại có cơ hội “chui vào” ngồi lì trong thư viện của báo tìm đọc các tư liệu... Bây giờ, nhắm mắt lại, từng ngóc ngách, từng con người ở Báo Nhân Dân cứ hiện lên, rõ mồn một! 

Những năm tháng đó là kỷ niệm vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời và có ảnh hưởng mang tính quyết định đến con đường sự nghiệp của tôi sau này. Khi tôi được giữ lại trường làm giảng viên, cũng đúng thời điểm báo Nhân Dân điện tử mới ra đời. Để chuẩn bị cho sự ra đời của một chuyên ngành đào tạo mới của nhà trường – chuyên ngành Báo mạng điện tử, GS,TS Tạ Ngọc Tấn (ngày đó là Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã cử tôi đi thực tế nghiệp vụ tại Nhân Dân điện tử một năm. Tại đây, tôi đã được học những kiến thức đầu tiên về báo mạng điện tử và được thực hành làm báo mạng điện tử khi nó còn rất mới mẻ và sơ khai. Nhờ đó, tôi đã trở thành một trong những người đầu tiên nghiên cứu về báo mạng điện tử ở Học viện. Cũng trong thời gian đi thực tế tại Nhân Dân điện tử, được sử dụng internet nên tôi đã có cơ hội mở rộng tầm nhìn ra thế giới, giao lưu học thuật và nghề nghiệp với những người bạn của các quốc gia khác… Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên kéo dài bốn tháng tại Campuchia là làm trợ giảng cho một giáo sư người Mỹ… cũng là nhờ được sử dụng tài nguyên internet của Báo Nhân Dân!

Nhân Dân điện tử là một trong những tờ báo mạng điện tử ra đời sớm nhất ở Việt Nam và cũng là số ít tờ vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Vì vậy, trong các giờ giảng, giáo trình đào tạo về báo mạng điện tử, tôi thường xuyên giới thiệu và sử dụng Nhân Dân điện tử như một thí dụ sinh động để sinh viên học tập, tham khảo. Trong thời đại phát triển thông tin như vũ bão, sự ra đời và phát triển của mạng xã hội đã làm thay đổi cán cân thông tin. Bây giờ, mỗi sáng thức dậy, thông tin cứ tự động “tìm” tới công chúng, nhưng trong số ngàn vạn thông tin đó, không ít những thông tin giả, không đáng tin cậy. Đối với người làm báo, giải quyết giữa bài toán “đúng” và “nhanh” thật khó! Người làm báo phải luôn vận động để kiếm tìm, đào sâu và khai thác những góc khuất xã hội, phản ánh một cách chuẩn xác nhất thực tiễn. Bốn tiêu chí đánh giá chất lượng của các tác phẩm báo chí là “Đúng, Trúng, Nhanh, Hay”, thì Nhân Dân luôn đặt chữ Đúng lên hàng đầu, luôn coi việc làm báo là nhiệm vụ chính trị, thông tin nhanh nhưng phải chính xác, bám sát thực tiễn cuộc sống và định hướng chính trị. Bởi đó là giá trị đích thực của báo chí, là niềm tin nơi công chúng và là bản sắc của Báo Nhân Dân!

Tôi có rất nhiều kỷ niệm và nhân duyên với Báo Nhân Dân, và sự thật là một phần tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với Báo Nhân Dân. Từ việc chọn đề tài, chọn góc độ tiếp cận, chọn chi tiết này mà không phải chi tiết khác, chọn văn phong phù hợp, cách biên tập và các ký hiệu biên tập, đến việc chọn lựa, sắp xếp tin, bài hay lên ma-két cho tờ báo, rồi cả kỹ năng điểm báo… tôi đều được học từ Báo Nhân Dân. Tôi vẫn nói với sinh viên của mình rằng, Báo Nhân Dân là một môi trường lý tưởng để rèn nghề, nếu ai có cơ hội được học nghề tại Báo Nhân Dân (dù chỉ một thời gian ngắn) thì sẽ trưởng thành và chín chắn nhanh. Dù có viết bất cứ điều gì, cũng phải cân nhắc, cân nhắc và cân nhắc!

Nhân dịp báo Nhân Dân tròn 70 tuổi, tôi muốn gửi lời tri ân, biết ơn sâu sắc tới tờ báo Đảng. Chúc Báo Nhân Dân ngày một phát triển, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, luôn chiếm được niềm tin của công chúng, và giữ được bản sắc của riêng mình.

Kỷ niệm 70 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu