Nhãn chín muộn giá rẻ như cho

NDO -

Nếu như những năm trước, mùa nhãn chín muộn thường là dịp được người nông dân mong chờ vì sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn hẳn so với chính vụ thì mùa nhãn chín muộn năm nay, giá bán vẫn không nhích lên nhiều. Thậm chí nhiều nơi còn lo ngại sẽ không tiêu thụ được nhãn trong bối cảnh giãn cách kéo dài.

Người nông dân mong muốn được hỗ trợ tiêu thụ.
Người nông dân mong muốn được hỗ trợ tiêu thụ.

Người mua phấn khởi, nông dân khóc ròng

Hỗ trợ mua nhãn, 12.000 đồng/kg, bảo đảm nhãn to, ngon, ngọt, sạch, đó là một trong những lời kêu gọi bán hàng của anh Vũ Minh (Hà Đông, Hà Nội) khi đăng trên chợ chung cư cư dân nơi anh sinh sống. Anh cho biết, mọi năm, gia đình anh (Ứng Hòa, Hà Nội) thường bán nhãn chín muộn với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu của thương lái. Nhưng năm nay giá giảm mạnh do thương lái không vào được nhiều như mọi năm. Cho nên anh mang đến chung cư bán để hỗ trợ bố mẹ sinh sống ở quê, mong vớt vát lại một chút chi phí.

Nhãn chín muộn giá rẻ như cho -0
Nhãn năm nay được mùa nhưng giá rất rẻ. 

“Nhà tôi có cả nhãn chính vụ và nhãn chín muộn. Những năm trước, nhãn chín muộn thường bán với giá gần gấp đôi nhãn chính vụ. Nhưng năm nay, giá bán không cao hơn bao nhiêu. Nhà tôi có khoảng 2ha nhãn chín muộn, mọi năm trừ chi phí đi cũng lãi khoảng 100 triệu đồng. Nhưng năm nay chỉ mong không phải đổ bỏ đã là thành công”, anh Minh cho hay.

Chị Nguyễn Thị Mến (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi vườn nhãn chín muộn gần 3ha của gia đình đã vào mùa thu hoạch rộ nhưng khó khăn về đầu ra. Chị cho biết, những năm trước, trước khi nhãn chín, thương lái đã vào tận vườn để đặt mua. Khi nhãn chín, gia đình chỉ phải hái rồi giao cho thương lái là xong. Nhưng năm nay, do giãn cách xã hội kéo dài nên thương lái không thể vào thu mua như thường lệ.

“Chúng tôi cũng liên kết với anh em họ hàng đang sinh sống ở những khu chung cư nội thành để tiêu thụ, nhưng lượng không được nhiều. Hiện nay, thành phố lại siết chặt quản lý người ra đường, khu vực nhà tôi thuộc vùng đỏ nên xin giấy đi đường rất khó. Hiện nay, vườn nhãn chín muộn nhà tôi gần như bế tắc đầu ra”, chị Mến buồn bã chia sẻ. 

Năm nay được đánh giá là năm được mùa của trái nhãn. Nhãn chính vụ và nhãn chín muộn đều sai quả, chất lượng tốt, quả to, bóng đẹp và rất ngọt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm này rất khó khăn. Hầu hết, nhãn được tiêu thụ ở thị trường nội địa, trong nội tỉnh hoặc một số địa phương lân cận với giá rất rẻ, chỉ từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/kg tùy loại.

Chị Hà Thị Yến (chung cư Dương Nội, Hà Đông) cho biết, năm nay nhãn rất rẻ, được bán rất nhiều trên các chung cư nên chị tranh thủ mua về cho gia đình ăn và đi biếu. Chị cho biết, so với các loại trái cây khác như nho, măng cụt, mãng cầu… thì năm nay, giá nhãn rẻ hơn rất nhiều. Do tiêu thụ khó khăn nên các nhà vườn hầu hết không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất làm vàng, làm bóng quả nhãn, người mua do vậy cũng yên tâm hơn.

Anh Nguyễn Văn Long, trưởng một nhóm từ thiện tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ, năm nay, bên cạnh lương thực thực phẩm, nhóm của anh lựa chọn nhãn là một phần trong gói quà từ thiện. Giá rẻ, chất lượng tốt, việc tiêu thụ nhãn cũng góp phần giúp bà con tháo gỡ phần nào khó khăn đầu ra cho sản phẩm.

Thêm hỗ trợ kết nối cho tiêu thụ nhãn

Hiện nay, nhãn chính vụ đã dần hết, song nhãn muộn đang vào mùa thu hoạch rộ. Riêng Hà Nội, vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung ven sông Đáy thuộc các huyện: Quốc Oai 200ha ở xã Đại Thành; Hoài Đức 250ha ở các xã: An Thượng, Đông La, Song Phương; Chương Mỹ 100ha ở các xã: Lam Điền, Thụy Hương, Phụng Châu. Hiện nay, phần lớn nhãn chín muộn của Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi; số qua sơ chế, chế biến, đóng gói nhãn mác khoảng 3-5%. Khoảng 30-40% sản lượng được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội; số còn lại (khoảng 60-70% sản lượng) do nông dân tiêu thụ chủ yếu thông qua tư thương. Do giãn cách xã hội kéo dài nên việc tiêu thụ nhãn thông qua các kênh phân phối như mọi năm gặp khó khăn.

Nhãn chín muộn giá rẻ như cho -0
 Nhãn chín muộn năm nay có chất lượng rất tốt. 

Tại Diễn đàn kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đầu tháng 9 vừa qua, ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành (Quốc Oai) bày tỏ mong muốn các kênh phân phối hỗ trợ các hợp tác xã, người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ông mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm với giá bán trung bình 16.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 35.000 đồng/kg so với năm ngoái. 

“Năm 2021, được đánh giá là năm được mùa nhãn, tổng sản lượng nhãn chín muộn của huyện Quốc Oai đạt 4.000 tấn. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đúng vào thời gian thu hoạch nhãn nên việc kết nối vận chuyển theo thị trường truyền thống hàng năm bị gián đoạn. Nhãn đang được tiêu thụ chính tại thị trường tự do, chưa có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù, đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ. Song, đến nay vẫn có 2.000 tấn chưa thu hoạch và đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Do đó, việc chung tay của các kênh phân phối sẽ giúp người nông dân tháo gỡ khó khăn, có vốn để chi trả các khoản phí đã bỏ ra để đầu tư cho vườn nhãn, đồng thời tái đầu tư sản xuất cho các mùa vụ tới”, ông Trần Anh Khoa cho hay.