Tối 26/12, tại Nhà hát Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội Âm nhạc Thành phố giới thiệu chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật chân dung âm nhạc nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với chủ đề “Sống và ước vọng”.
Với 80 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi nghề, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, phần thưởng cao quý, cùng các giải thưởng như: Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965), Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật (đợt I - 2001).
Ông tên thật là Phạm Văn Thành, sinh ngày 23/5/1942 tại Phnom Penh, Campuchia. Dù ra đời ở xứ sở Chùa Tháp, nhưng huyết mạch quê cha Nam Định và quê mẹ Hưng Yên vẫn chảy những giai điệu dân ca Việt trong tâm hồn Phạm Văn Thành. Năm 15 tuổi, Phạm Văn Thành viết ca khúc đầu tay “Em là thiếu niên Việt kiều”.
Năm 1960, chàng trai Phạm Văn Thành gia nhập Đoàn văn công Giải Phóng đóng tại căn cứ Tây Ninh. Mật danh hoạt động ở chiến khu Phạm Minh Tuấn do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu đặt cho, cũng trở thành bút danh viết nhạc của ông từ đêm giao thừa 1961.
Trên dặm đường rong ruổi của cuộc kháng chiến, những tên làng, tên đất, những cô gái, những bà mẹ, những giải phóng quân anh dũng, kiên cường… đã cho ông cảm xúc đậm đà, để rồi từ đó thoát thai trở thành những bài ca nồng ấm tình người.
Các bài hát trong giai đoạn này minh chứng rằng ông đã là một nhạc sĩ có nghề trước khi vào học trường nhạc, không chỉ với chiều sâu nội tâm, tình cảm dạt dào được phô diễn, mà còn với nghệ thuật viết ca khúc ngày càng chắc tay.
Điển hình như với ca khúc “Qua sông” được viết năm 1963, khi nhạc sĩ mới chỉ 21 tuổi và đang trong chiến khu. Tác phẩm này giúp ông nhận được Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu giai đoạn năm 1960-1965.
Và với ca khúc “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn” được viết năm 1968 trong chiến dịch Mậu Thân, Phạm Minh Tuấn đã tự khẳng định một cây bút xuất sắc của nền âm nhạc truyền thống cách mạng ở miền nam.
NSND Tạ Minh Tâm thể hiện ca khúc "Dấu chân phía trước" (thơ Hồ Thi Ca). |
Theo NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố, sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn không chỉ gắn bó với những giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc mà còn đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Các sáng tác của ông ở thời kỳ đổi mới, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh đều có rất nhiều tác phẩm tạo nên dấu ấn sâu sắc như: “Khát vọng” (thơ Đặng Việt Lợi), "Bài ca không quên", “Đất nước” (thơ Tạ Hữu Yên), "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" ( phỏng thơ Nguyễn Nhật Ánh), "Mùa xuân từ những giếng dầu"…
Với đề tài ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng những tình cảm đặc biệt dành cho Người, những tác phẩm như "Niềm tin", "Bác Hồ - Người là ngôi sao sáng mãi", "Dấu chân phía trước" (thơ Hồ Thi Ca) đã ra đời và thấm sâu vào mỗi chúng ta tình cảm thiêng liêng dành cho Bác Hồ kính yêu.
“Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá tác phẩm âm nhạc truyền thống cách mạng với mong muốn lan tỏa các giá trị truyền thống cách mạng kiên trung mà bao thế hệ cha anh đã dày công vun đắp, từ đó hun đúc tinh thần cho thế hệ trẻ hôm nay hăng say lao động, học tập, rèn luyện, sáng tạo, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết.
Những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đi cùng năm tháng chiến tranh khốc liệt với tinh thần lạc quan cách mạng đã cổ vũ, động viên quân và dân ta chiến đấu kiên cường, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt. Nhiều tác phẩm của ông đã là bài hát nằm lòng của biết bao thế hệ người yêu âm nhạc Việt Nam.
-----
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy