Khúc tráng ca về tinh thần yêu nước

Vở tuồng lịch sử "Nữ tướng Lê Chân" là tác phẩm vừa được Nhà hát Tuồng Việt Nam hoàn thành dàn dựng theo đặt hàng năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với việc khắc họa thành công hình tượng nữ tướng Lê Chân trên sân khấu bằng ngôn ngữ tuồng, vở diễn là lời khẳng định về sức sống trường tồn của văn hóa truyền thống cũng như tinh thần yêu nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khúc tráng ca về tinh thần yêu nước

Nữ tướng Lê Chân" được dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả trẻ Lê Công Phượng. Để làm nổi bật chủ đề tư tưởng là tinh thần yêu nước, vở diễn tập trung tái hiện lát cắt lịch sử kéo dài từ năm 36 đến 41 sau Công nguyên, về cuộc đời vị nữ Anh hùng dân tộc Lê Chân, khi đó khoảng 16 đến 21 tuổi. Đất nước bị giặc Hán đô hộ, nhân dân lầm than. Thái thú Tô Định, kẻ được nhà Đông Hán cử sang cai trị dân ta trong một lần kinh lý đã bị thu hút bởi sắc đẹp và tài năng của Lê Chân.

Với bản chất tham lam vô độ, hắn muốn chiếm bằng được Lê Chân nhưng suy tính bất thành, hắn liền đem quân tới tàn sát Lê gia... Trải qua nhiều trầm luân dâu bể, thiếu nữ Lê Chân đã nén đau thương kiên cường đứng dậy. Bà đến vùng đất ven sông Cấm khai khẩn lập điền trang, tập hợp nghĩa binh chống giặc. Vở diễn khép lại khi bà hội quân sát cánh cùng Hai Bà Trưng, được phong làm nữ tướng tiên phong đánh đuổi giặc ngoại bang, làm nên chiến công rạng rỡ.

Tác giả Lê Công Phượng chia sẻ, đặc trưng của tuồng là sự bạo liệt cùng yếu tố kịch dữ dội. Vì thế, tác giả đã cố gắng làm bật lên tính dữ dội ấy bằng việc xây dựng hai tuyến nhân vật hoàn toàn đối lập nhau: bên ác là Tô Định, Đinh Gian... với âm mưu muốn đồng hóa dân tộc ta để dễ bề nô dịch; bên thiện sáng ngời chính nghĩa là Lê Chân, Lê Đạo, Hào Nam... với tinh thần bất khuất, nhất quyết gìn giữ phong hóa và bản sắc dòng giống Lạc Hồng.

Chia sẻ về quyết định lựa chọn kịch bản của tác giả Lê Công Phượng để dàn dựng, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, cho hay, bên cạnh lý do muốn tôn vinh, tạo điều kiện phát triển cho những tác giả trẻ hiếm hoi của sân khấu tuồng, yếu tố mang tính quyết định hơn là sự hấp dẫn của một kịch bản đã được trao giải khuyến khích của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2020. "Cùng với việc làm rõ chủ đề rất hay là vấn đề độc lập tự chủ, kịch bản còn khai thác được vấn đề giữ gìn văn hóa, hồn cốt dân tộc, cung cấp những bài học lịch sử bổ ích cho thế hệ trẻ hôm nay..."-ông Phạm Ngọc Tuấn nói.

Điều thú vị là để mang đến hơi thở mới cho "Nữ tướng Lê Chân", Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tuấn Cường-một gương mặt vốn quen thuộc của sân khấu chèo đã được "chọn mặt gửi vàng" đảm nhận vai trò đạo diễn. Lần đầu tiên "lấn sân" sang tuồng song có thể thấy Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tuấn Cường đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng của một đạo diễn kịch hát truyền thống khi vận dụng các thi pháp đặc trưng nhất để làm nổi bật chất bi hùng của tuồng, trong đó có cả sự bạo liệt mạnh mẽ, có cả chất sâu lắng trữ tình.

Đặc biệt, những sáng tạo đầy dụng ý trong thiết kế sân khấu của Nghệ sĩ Nhân Dân Lê Huy Quang và Nghệ sĩ Ưu tú Đạt Tăng đã góp phần đáng kể trong chuyển tải thông điệp vở diễn. Những tấm bình phong trên sân khấu được thay đổi linh hoạt, khi là hình ảnh sử thư tượng trưng cho văn hóa dân tộc, khi là chữ Hán thể hiện mưu đồ bành trướng của giặc, khi lại ghép lại thành hình ảnh cánh thuyền trong trận chiến trên sông... đã tạo nên bối cảnh diễn vô cùng sinh động.

Cũng cần kể đến sự xuất hiện của ngôn ngữ múa dưới bàn tay biên đạo của Thạc sĩ Hoài Anh, đặc biệt ở những lớp diễn như đốt cháy sử thư hay trận chiến trên sông... không chỉ tạo ấn tượng thị giác cho người xem mà còn mang đến hiệu ứng gia tăng sức hấp dẫn cho vở diễn. Bên cạnh đó, làm nên thành công của vở diễn, phải nói tới sự nhập vai khá nhuần nhuyễn của đội ngũ diễn viên, nhất là Nghệ sĩ Ưu tú Lộc Huyền-Trưởng đoàn Thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam trong vai Lê Chân.

Chị chia sẻ, ở tuổi ngoài 40, gấp đôi số tuổi của nhân vật mình vào vai, hơn nữa trong hình tượng của một nữ tướng là cả thách thức lớn. Và để vượt qua thách thức này, nghệ sĩ Lộc Huyền đã phải nỗ lực nghiên cứu các tư liệu từ nhiều nguồn, tham vấn ý kiến từ các nghệ sĩ đi trước để tập luyện và hoàn thiện hơn cách diễn của mình, từ việc thể hiện những bước đi nhanh cho đến các cử chỉ, hành động thể hiện sự oai phong, dứt khoát, mạnh mẽ của một nữ tướng trẻ tuổi. Các nghệ sĩ Mạnh Linh (vai Lê Đạo), Ngọc Cường (vai Tô Định), Tuấn Hiệp (vai Hào Nam)... cũng đã cho thấy bản lĩnh diễn xuất vững vàng, để lại nhiều ấn tượng đậm nét trong lòng người xem.