Nhạc kịch “Đất nước đứng lên”: Sự trở lại của Opera phong cách Việt


"Chìa khóa vàng" cho vở diễn

Không ít người trong giới chuyên môn tỏ ra e ngại khi nhạc sĩ An Thuyên bày tỏ ý định đưa Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc vào lĩnh vực nhạc kịch. Đơn giản, đó là sự khác biệt quá lớn giữa những đặc thù của nghệ thuật Opera đến từ phương Tây với cấu trúc của cuốn tiểu thuyết văn học về cách mạng Tây Nguyên từ 50 năm trước.

Bởi vậy, nhạc sĩ An Thuyên và các cộng sự đã tự chọn cho mình một chìa khóa riêng khi làm vở. Không tham lam ôm hết những gì có trong tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc, họ chỉ chọn một số chi tiết để tập trung xây dựng những hình tượng. Đó là anh hùng Núp với đoạn độc thoại nhằm vượt qua nỗi sợ của mình khi đánh Pháp, là người già làng luôn có niềm tin vào Núp, vào Đảng và Bác Hồ; là bà mẹ Núp, người mẹ dân tộc có tình thương bao la với các anh bộ đội Cụ Hồ, là lòng thủy chung son sắt của Mai Liêu (vợ Núp) cùng một tình yêu đẹp mới chớm của nàng Mai Du với anh bộ đội Cụ Hồ.

Những hình tượng ấy gắn liền với cảnh đạn bom giặc Pháp gây ra, với cái đói kinh hoàng năm 1945 cùng những biến chuyển trong tư tưởng, tinh thần của người dân Tây Nguyên trước câu hỏi lớn: có đánh thắng được Pháp không?

Những chi tiết ấy đã kết nối nhau khá chặt chẽ, tạo nên một bức tranh hùng tráng về chuyện người Tây Nguyên đi theo Bác Hồ, cùng nhau đứng lên đoàn kết đánh giặc, bảo vệ buôn làng quê hương. Và âm hưởng sử thi trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Ngọc đã được tái hiện khá rõ trong vở diễn này.

Một vở Opera phong cách Việt

Cũng như đặc điểm chung của thể loại nhạc kịch, âm nhạc vẫn là phần được những người làm vở dày công tìm tòi và sáng tạo.

Nhạc sĩ An Thuyên, người vẫn được biết tới với những sáng tác mang sắc thái dân gian, giờ đây lại tiếp tục thành công khi lấy âm nhạc Tây Nguyên làm chất liệu sáng tác.

Trong suốt vở diễn người ta có thể cảm nhận được tiếng cồng chiêng vang dội núi rừng, tiếng nước suối róc rách lúc như lời thủ thỉ yêu thương khi lại là tiếng cười trong trẻo của các cô gái Ê-Đê bên suối. Tiếng trầm hùng của hàng ngàn con voi hoang dã, của nỗi lòng người dân Tây Nguyên khao khát tự do, hạnh phúc nhưng rất phiêu bồng với những lời tâm tình nhắn nhủ của nàng Mai Liêu tới người chồng phương xa.

Bên cạnh đó chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được thổi hơi thở mới gần với âm nhạc đương đại bởi sự hòa âm, phối khí theo phong cách nhạc trẻ đã tạo nên những cái "lạ" của Đất nước đứng lên.

Và vì vậy mặc dù vở diễn có rất nhiều chủ đề, phân cảnh như: Ánh sáng; Chiến đấu, chiến thắng; Anh hùng Núp, Bắn Pháp chảy máu, Ca khúc bộ đội, Mẹ Núp, Book Hồ, Kết đoàn... và sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc của dân tộc Ê-Đê, Gia Rai, Ba Na... nhưng vẫn thống nhất, vẫn dễ xem, dễ hiểu, gần gũi với công chúng hôm nay.

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: "Hơn 50 năm sau kháng chiến chống Pháp chúng ta vẫn cảm nhận được một tấm lòng, một tinh thần của người dân Tây Nguyên hướng về cách mạng, kháng chiến, với ý chí dân tộc vệ quốc lớn lao. Với Đất nước đứng lên, chúng ta tự hào có một Opera phong cách Việt”.

Chuyện của những người làm vở

Điều đặc biệt hơn, 100 trong số 120 diễn viên tham dự vở là các em dân tộc Tây Nguyên, đang học tập tại trường. Cứ nhìn những ánh mắt long lanh khi các em cất lên những lời ca, điệu múa cũng đủ hiểu tâm huyết, nhiệt tình và hơn hết, các em chính là những người làm cái hồn Tây Nguyên sống lại.

A Long (sinh viên Khoa Thanh nhạc) đã rất xúc động khi được vào vai Núp -  người anh hùng mà em vẫn thầm yêu quý và kính phục. Sau những buổi tập đến khản giọng trên giảng đường em vẫn cùng các bạn trao đổi, luyện thêm ở phòng.

Em nói: "Được nhận vai Núp là niềm vinh dự không chỉ cho bản thân em mà còn cho cả dân tộc Xê Đăng”.

Cùng tâm trạng như A Long, Y Thanh Nhị khi nhận vai Mai Liêu, vợ Núp đã vô cùng sung sướng. Theo em, không phải ai cũng được may mắn một lần trong đời tham gia vào vở diễn có ý nghĩa lớn với đất nước và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nhìn những ánh mắt long lanh khi các em cất lên những lời ca, điệu múa cũng đủ hiểu tâm huyết, nhiệt tình của các em - những người đã đưa chất sử thi của Tây Nguyên sống lại trên sân khấu.

Dự kiến Đất nước đứng lên sẽ được công diễn chính thức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 17-8, sau đó sẽ tiếp tục diễn tại Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh.