Nhà thơ Hải Như - Còn mãi những câu thơ giàu suy cảm

NDO - Sáng 20/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hải Như (1923- 2023), Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp gia đình nhà thơ tổ chức tọa đàm “Nhà thơ Hải Như-Một thế kỷ suy tư”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện gia đình nhà thơ Hải Như tặng hoa cho Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện gia đình nhà thơ Hải Như tặng hoa cho Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với việc tuyển tập “Hải Như-Thơ và tiểu luận” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) vừa mới phát hành, buổi tọa đàm là dịp để giới cầm bút phương nam và thân nhân của cố nhà thơ Hải Như ôn lại những kỷ niệm và tôn vinh những cống hiến của ông đối với nền văn học nước nhà.

Nhà thơ Hải Như (1923-2017) có họ tên đầy đủ Vũ Như Hải, quê gốc ở làng Bái Dương thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Trước năm 1945, nhà thơ Hải Như hoạt động truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội. Tháng 12/1946, ông gia nhập quân đội. Sau khi theo học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng, ông làm báo Vệ Quốc Quân và báo Cứu Quốc.

Ngày đất nước thống nhất, ông cùng gia đình chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Nhà thơ Hải Như - Còn mãi những câu thơ giàu suy cảm ảnh 1

Bìa tác phẩm "Hải Như- Thơ và tiểu luận" vừa được phát hành.

Nhà thơ Hải Như được nhiều người biết đến với tư cách tác giả phần lời của hai ca khúc nổi tiếng là “Như hoa hướng dương” (nhạc Tô Vũ) và “Thành phố hoa phượng đỏ” (nhạc Lương Vĩnh).

Cả đời ông gắn bó thi ca và rất tự hào về sứ mệnh thi ca: “Đi trên đất nước hôm nay tôi không mang theo giấy thông hành/ Tôi chỉ với những bài thơ/ Giấy thông hành nhà thơ phải do chính nhà thơ tự cấp/ Vượt mọi thử thách thời gian/ Đi vào vĩnh viễn trái tim người”.

Viết nhiều đề tài, thể loại, nhưng giới văn chương và độc giả thường nhắc đến ông như nhà thơ sáng tác nhiều bài thơ hay về Hồ Chí Minh. Đây là mảng thơ nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông.

Sinh thời, nhà thơ Hải Như quan niệm: “Tôi không làm báo về Hồ Chí Minh, không xưng tụng lãnh tụ mà thông qua nhân vật trong bài thơ của tôi người đọc rút ra được bài học hoặc liên hệ với mình, đó là chức năng của văn học. Làm thơ về đề tài Hồ Chí Minh, tôi mong muốn được gửi gắm, ký thác những điều suy nghĩ theo năm tháng, cuộc đời. Tôi viết về con người Hồ Chí Minh theo cảm nhận của riêng tôi và gửi gắm vào đó những nỗi niềm của mình chứ không chỉ minh họa cụ Hồ là lãnh tụ và công đức”.

Nhà thơ Hải Như - Còn mãi những câu thơ giàu suy cảm ảnh 2

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ngày 8/9/1969, hình tượng Bác Hồ lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Hải Như qua bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”. Đồng chí Trường Chinh khi đọc được bài thơ này trên Báo Nhân Dân số ra ngày 20/9/1969, đã nhận xét: “Bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu sáng tác cùng thời điểm là bài thơ con khóc cha, còn bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” của Hải Như là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ”.

Từ bài thơ này, nhà thơ Hải đã miệt mài cho ra đời nhiều tác phẩm hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tập thơ quan trọng nhất của ông, như “Trái đất mai này còn lại tình yêu” (1985), “Bài thơ trên Bến Nhà Rồng” (1990), “ Thơ viết về Người” (2004) đều có những trang lấp lánh hình tượng Bác Hồ.

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Hải Như đã có nhiều trăn trở, để tìm ra con đường thi ca tiếp cận hình tượng Bác Hồ. Phong cách thơ Hải Như là dùng những câu ngắn để nói trực tiếp, không cần bóng bẩy: “Đứng trước khó khăn/ Bác Hồ dặn ta cười/ Và do đó mà ta biết khóc/ Khi nghĩ xấu/ Ta không còn đỏ mặt/ Ấy là khi ta bỏ mất ta rồi”.

Nhà thơ Hải Như - Còn mãi những câu thơ giàu suy cảm ảnh 3

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trong buổi tọa đàm.

Nhà văn, dịch giả Tô Hoàng chia sẻ, hai đặc điểm nổi bật trong thơ ca của nhà thơ Hải Như đó là: tấm lòng trắc ẩn, vui buồn trước đời sống của đồng bào mình, trước vận nước. Và sự không giống ai của nhà thơ. Hai điều này chính là điểm tựa giúp nhà thơ khơi được mạch nguồn riêng, tìm được cảm hứng riêng khi đặt bút viết về Bác Hồ.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là câu chuyện thường xuyên xuất hiện trong thơ Hải Như, ở nhiều cung bậc khác nhau. Thông qua hình tượng Hồ Chí Minh, những câu thơ Hải Như réo gọi từng người Việt Nam gạn dục khơi trong để hướng về phía trước, để hướng về chính nghĩa: “Ta hãy tự trả lời ta - Bạn hỡi/ Khi ta vui/ Và cả lúc ta buồn/ Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn/ Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất/ Kẻ thù ẩn náu trong ta”.

Thiết nghĩ, những bài thơ của nhà thơ Hải Như, đặc biệt là những bài thơ ca ngợi phẩm chất, đạo đức, tác phong của Bác Hồ vẫn còn nguyên tính thời sự, sức sống trong việc “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của thế hệ hôm nay và mai sau.