Bảo tàng: Cẩm nang lịch sử, di sản-Kết nối cộng đồng

NDO - Sáng 17/5, tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra tọa đàm "Hoạt động giáo dục bảo tàng-Kết nối cộng đồng" nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5). 
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh toạ đàm Hoạt động giáo dục bảo tàng-Kết nối cộng đồng.
Quang cảnh toạ đàm Hoạt động giáo dục bảo tàng-Kết nối cộng đồng.

Tham gia toạ đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đưa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm vào các chương trình hoạt động của bảo tàng, từ đó góp phần đưa chương trình giáo dục trải nghiệm về di sản văn hoá đến gần hơn công chúng.

Bà Lê Thị Liên, cán bộ Phòng Giáo dục-Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ: Giáo dục là hoạt động thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hằng ngày, bảo tàng đón tiếp công chúng, cộng đồng đến với bảo tàng với mong muốn tìm hiểu về di sản.

Hiện nay, bảo tàng xây dựng ba gói sản phẩm cung cấp cho từng đối tượng khách tham quan: Tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp cho nhóm gia đình, bố mẹ con cái cùng tham gia hoạt động tương tác, trải nghiệm; kết nối các đơn vị du lịch xây dựng chương trình dành cho nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khoá; chương trình hoạt động giáo dục mang tính chuyên ngành, chuyên sâu thông qua tổ chức các workshop, giao lưu, toạ đàm hướng đến đối tượng công chúng đặc thù.

Với khẩu hiệu "Công chúng là đối tượng bảo tàng hướng tới", các hoạt động giáo dục, trải nghiệm của bảo tàng luôn phải thu hút được công chúng, để lại ấn tượng và làm cho công chúng muốn quay lại bảo tàng. Với đặc thù của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 60%-70% khách tham quan là thế hệ trẻ học đường, Bảo tàng là cuốn cẩm nang sách giáo khoa lịch sử để học sinh các trường học đến tìm hiểu, là bước đệm cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hoá, di sản dân tộc.

 Bảo tàng: Cẩm nang lịch sử, di sản-Kết nối cộng đồng ảnh 1

Diễn giả tham gia toạ đàm.

Chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ của người tổ chức chương trình, sự kiện, đạo diễn, MC Ninh Quang Trường nhìn nhận, để bảo tàng thu hút công chúng, cần khai thác nền tảng sản phẩm, hiện vật cũng như thế mạnh không gian bảo tàng đang có, từ đó “tạo trend” thu hút cộng đồng tìm đến không gian đó.

Với phương châm “Thời điểm nào nói câu chuyện gì”, với từ khóa “dành cho cả gia đình”, cùng sự thiết kế chương trình thú vị tăng cường sự tham gia của mọi người tại bảo tàng, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Bảo tàng Hà Nội đã thu hút hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan.

Ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội - nhấn mạnh: Đối tượng khách tham quan chính của Bảo tàng Hà Nội phần lớn là học sinh, sinh viên. Đây là nhóm đối tượng chính, trọng tâm của bảo tàng. Bảo tàng Hà Nội luôn chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp các đối tượng.

Bảo tàng Hà Nội tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hoá phi vật thể, với sự tham gia của nghệ nhân trong trực tiếp giới thiệu, trình diễn…

Cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn với người khuyết tật, Bảo tàng Hà Nội dành nhiều chương trình giáo dục có sự tham gia của người khuyết tật, với vai trò vừa là người trực tiếp hướng dẫn, giáo dục trải nghiệm…

Tính đến tháng 4/2024, bảo tàng đã đón 17 nghìn lượt khách tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục, cũng là hoạt động góp phần tạo nên thành công cho các cuộc trưng bày tại bảo tàng.

Năm 2024, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) lựa chọn chủ đề Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu, nhấn mạnh về vai trò của bảo tàng trong việc khuyến khích học tập; thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán từ công chúng nhằm cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện hơn.