Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2/2/1929 tại làng Bình Trị, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Hiện gia đình nhà thơ thường trú tại số 46 đường Yersin, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài bút danh Giang Nam, trước đây ông còn dùng một số bút danh khác như: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh khi viết trên các báo chí công khai dưới chế độ Sài Gòn thời gian từ năm 1955 đến năm 1959.
Trước Cách mạng tháng Tám, dưới thời Pháp thuộc, sau khi học xong bậc tiểu học tại huyện nhà, ông ra học tại Trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ bằng Thành chung. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Giang Nam cùng với hai người anh trai của mình tham gia kháng chiến. Bấy giờ ông mới 16 tuổi.
Tác phẩm đã xuất bản của ông rất nhiều, gồm 7 tập thơ; 2 tập trường ca; 4 tập truyện ngắn, bút ký; 1 tập hồi ký văn học; trong đó, có gần 20 bài thơ viết về Bác Hồ.
Năm 2001, nhà thơ Giang Nam được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với 3 tập thơ "Quê hương", "Hạnh phúc từ nay", "Thành phố chưa dừng chân". Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Trong bài thơ "Quê hương" nổi tiếng nhất của ông, nhân vật "cô bé nhà bên" nguyên mẫu là vợ ông, bà Phan Thị Chiều, ít hơn ông 2 tuổi, quê ở Nha Trang. Ông sáng tác bài thơ tại căn cứ của Tỉnh ủy Khánh Hòa dưới chân núi Hòn Dù khi nghe hung tin vợ con bị bắt và thủ tiêu. Cuối năm 1961, khi đang ở căn cứ tại Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), ông bất ngờ biết vợ con vẫn còn sống, đã về quê tại Nha Trang sinh sống an toàn. Cảm xúc trào dâng, nhà thơ đã làm tiếp hai bài thơ "Ngày mai đi đón em" và "Con còn sống".
Trên trang cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết về nhà thơ Giang Nam: "Ông là một con người đã chọn Tổ quốc và thơ ca là lẽ sống của đời mình. Và suốt đời ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con đường của ông. Nhà thơ Giang Nam sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông, nhà thơ của bài thơ Quê Hương bất diệt".