Nhà thầu gặp khó vì giá nguyên vật liệu xây dựng liên tục tăng

NDO -

Liên quan vấn đề biến động giá vật liệu, tiến độ một số dự án giao thông, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia đang bị chậm do tăng giá vật liệu. Vì sao đã có cơ chế điều chỉnh giá nhưng nhà thầu vẫn kêu khó và nguyên nhân có phải do thủ tục, quy trình hay không?

Thi công các hạng mục gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía đông ở địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An.
Thi công các hạng mục gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía đông ở địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An.

Tăng giá nguyên vật liệu xây dựng không phải câu chuyện mới. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nó không hề hạ nhiệt khi giá nguyên vật liệu vẫn liên tục tăng.

Nhà thầu càng làm càng lỗ

Theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án và Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, trong giai đoạn bắt đầu từ quý IV/2020 đến quý I/2022, khi các nhà thầu ký hợp đồng triển khai một số công trình, dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn, đã vấp phải thách thức từ việc các loại vật liệu, nhiên liệu biến động giá lớn. Điển hình, đất đắp nền đường tăng khoảng 30-40%; cát tăng khoảng 25%; đá tăng khoảng 25-30%; nhựa đường tăng khoảng 15-20%; xi-măng tăng khoảng 20-25%; thép tăng khoảng 30-40%, một số thời điểm tăng hơn 80%; dầu diesel tăng khoảng 30-50%, một số thời điểm tăng 80-90%.

Với tình hình biến động trên, giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp dự kiến tăng khoảng 12-18% (sử dụng mức giá nhiên, vật liệu tại quý II/2022 cho khối lượng thi công còn lại). Trong khi đó, giá trị bù giá theo chỉ số giá do địa phương công bố được khoảng từ 8-12%. Ngoài ra, các nhà thầu hiện cũng rất khó khăn trong việc huy động nhân công. Một giám đốc công ty xây dựng cho biết, giá nhân công thực tế phải gấp 1,5-2 lần báo giá của Sở Xây dựng ban hành mới có thể thuê được công nhân vào làm. Thực tế công ty này phải trả nhân công là 450 nghìn đồng/ngày, trong khi đơn giá là 250 nghìn đồng/ngày.

Thiếu vật liệu đất đắp cũng là một vấn đề nan giải cho các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là các đoạn cao tốc bắc-nam hiện đang triển khai thi công hàng loạt. Trong quá trình thi công thực tế, một số mỏ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án, không đáp ứng về khối lượng cung cấp, phải thay thế tại các mỏ khác, với cự ly vận chuyển xa hơn rất nhiều cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới giá vật liệu mua về chân công trình tăng cao. Hơn nữa, một số mỏ vật liệu địa phương (đất, đá) nâng giá vật liệu lên mặt bằng giá mới không theo quy luật thị trường.

Một số nhà thầu bày tỏ lo lắng, bởi với giá nguyên vật liệu và nhân công tăng vọt, khiến đơn vị càng làm càng lâm vào cảnh lỗ nặng. “Tháng 3/2021, lúc đơn vị tham gia dự thầu, giá xăng ở mức 13.800 đồng/lít, bây giờ xăng dầu tăng khủng khiếp quá và cái gì cũng tăng giá hết.”, vị đại diện doanh nghiệp xây lắp than thở.

Bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Trước đây, khi tham gia đấu thầu dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 1, một số nhà thầu từng tương đối yên tâm khi hồ sơ mời thầu có đề cập vấn đề điều chỉnh giá. Thế nhưng, qua một thời gian dài biến động giá vật liệu, đến nay, nhà thầu vẫn chưa nhận được mức điều chỉnh như kỳ vọng từ phía cơ quan chức năng. Trong lĩnh vực xây dựng, hiện có 2 loại hợp đồng, một là hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định; hai là hợp đồng có điều chỉnh giá. Với hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, theo quy định pháp luật hiện hành, các hợp đồng này không được điều chỉnh giá, nhà thầu phải chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”. Loại kia, cho phép điều chỉnh giá theo biến động thực tế.

PSG,TS Hoàng Hà, nguyên Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) nêu quan điểm: "Phải bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc quản lý, chống thất thoát vốn cho Nhà nước là cần, nhưng thực tế thị trường xảy ra biến động giá là vấn đề do khách quan mang lại, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm ra cơ chế, làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên".

Thế nhưng, hiện nay, bất cập chính sách là không có tiêu chí định lượng khi giá vật liệu xây dựng tăng bao nhiêu phần trăm thì được xem là bất khả kháng nên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Đối với hợp đồng điều chỉnh giá, về nguyên tắc nhà thầu được phép đề nghị chủ đầu tư bù giá, trên cơ sở chỉ số giá mà địa phương công bố. Tuy nhiên, việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương hiện nay đều chậm và chênh lệch khá lớn so với diễn biến thực tế của thị trường.

Chỉ huy trưởng một gói thầu dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 cho biết, "Ước tính, đơn giá gói thầu hiện chênh lệch so thời điểm bỏ thầu khoảng 35%. Trong khi, chỉ số trượt giá địa phương công bố chỉ được 4-5%”. Nếu sự chênh lệch về giá vật liệu không được bù đắp, nhà thầu rơi vào cảnh thua lỗ, không có nguồn lực tái đầu tư, tương lai các dự án đã và sẽ thực hiện sẽ như thế nào?

Trong khi các nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam giai đoạn 1 đang hết sức khó khăn vì vật giá leo thang thì chỉ còn ít tháng nữa, 12 dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục khởi công, 3 dự án cao tốc khác và 2 dự án vành đai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ được thực hiện. Nếu tình trạng trên không được tháo gỡ, kịp thời có những giải pháp điều chỉnh phù hợp thực tế, không chỉ tiến độ dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 1 khó đạt được như mong muốn mà việc thực hiện dự án giao thông khác cũng nhiều nguy cơ khó có thể dễ dàng triển khai thuận lợi như kế hoạch đề ra.