Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng

NDO -

Được Ban Biên tập Báo Nhân Dân giao là phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy thật may mắn và hạnh phúc. Hơn 10 năm qua, mỗi chuyến tháp tùng đồng chí đi công tác, hay làm việc với các cơ quan, đơn vị, tôi học được rất nhiều điều bổ ích, từ cách tư duy khoa học, làm việc rõ ràng, cụ thể đến lối sống giản dị, gần gũi, thân tình của một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, được nhân dân vô cùng quý mến. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với nhóm phóng viên chuyên trách trong một chuyến công tác nước ngoài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với nhóm phóng viên chuyên trách trong một chuyến công tác nước ngoài.

Cuộc sống bà con còn nghèo thì chưa vui được

Những chuyến đi công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Hầu như tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng chí đều đã tới thăm và làm việc. Đến đâu cũng vậy, dù xa hay gần, đô thị hay miền núi, xe của đoàn cũng rất ít, thường đi ghép nhiều cơ quan, không rầm rộ, không còi ủ, không khẩu hiệu chào mừng, không đón tiếp cầu kỳ. Chương trình công tác bao giờ cũng bắt đầu bằng việc đến với dân, làm việc với xã, huyện rồi mới về tỉnh. Những nội dung trong buổi làm việc ở tỉnh chủ yếu là các vấn đề nắm bắt từ cơ sở, nhất là khó khăn, kiến nghị của nhân dân. “Lãnh đạo các bộ, ngành nói gọn lại, dành thời gian cho tỉnh phát biểu, mà cũng tập trung vào nêu giải pháp, giúp địa phương khắc phục khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế”,... Không ít lần chúng tôi nghe đồng chí nhắc nhở như vậy trong các buổi làm việc.

Đã về cơ sở là phải đi vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn. Có lần được thông báo đi công tác tại một tỉnh biên giới phía Bắc, tôi tìm đọc rất kỹ về một xã mà địa phương dự kiến làm việc, nằm ngay trong thành phố. Nhưng chuyến đi ấy, đồng chí lại đến với đồng bào xã biên giới khó khăn nhất và thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng nơi đây. Năm 2013, lên làm việc tại Yên Bái, đó là dịp cuối năm, trời rét căm căm. Trên đường đi, tranh thủ vào thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thống ở thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, đồng chí lội ra tận vườn ngắm nhìn từng cây cam trĩu quả, hỏi chuyện gia đình cách trồng, chăm bón và tiêu thụ có gì khó khăn không. Sau đó, Đoàn dừng ăn trưa ở một nhà ăn của huyện rồi lên thẳng xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu thuộc vùng cao, đặc biệt khó khăn. Sau khi nghe cán bộ địa phương giới thiệu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đứng lên mở đầu buổi làm việc bằng câu nói chân tình mà ai cũng thấm thía: Các đồng chí giới thiệu tôi rất “vui mừng” được lên thăm bà con là chưa đúng đâu. Được đến và bà con thì “vui” lắm rồi, nhưng chưa thể “mừng” khi cuộc sống còn nghèo và khó khăn. Lần sau đến, thấy không nghèo nữa, bà con mình ai cũng biết làm giàu, thế mới vui mừng. Nói thế cũng có nghĩa là cấp ủy, chính quyền địa phương phải lo thực hiện cho bằng được; cũng là việc chúng ta cần bàn hôm nay để làm sao thoát nghèo, có được không bà con? 

Mấy anh em báo chí nhìn nhau, thì ra lâu nay mình cũng vẫn quen viết như thế, mà không hiểu rõ ý nghĩa của từng từ. Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, đồng chí lại gợi mở Yên Bái cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt gắn sản xuất với tiêu thụ, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, xóa nghèo và cận nghèo một cách bền vững, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa, các gia đình chính sách,...

Cách làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bao giờ cũng tìm hiểu, phân tích, “truy” tới cùng vấn đề. Cuối năm 2012, Đoàn đi thăm, làm việc tại Đắk Nông. Dọc đường lên Quảng Tâm, xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện biên giới Tuy Đức, thấy đất rừng mênh mông, vậy mà xã có tới 41% số hộ nghèo, mới đạt một tiêu chí nông thôn mới. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng trăn trở, nêu vấn đề, vì sao đất rừng nhiều, có thể trồng cà-phê, cao-su, hồ tiêu; rồi việc chăm sóc bảo vệ rừng, mỗi hộ một năm cũng có khoảng bốn triệu đồng mà tỷ lệ hộ nghèo cao như thế. Tìm hiểu kỹ thì biết, một trong những nguyên nhân ở đây là công tác quản lý, bảo vệ rừng yếu kém, nạn phá rừng tràn lan không chỉ ở xã Quảng Tâm mà gần như huyện nào cũng có. Với 44% diện tích tự nhiên là đất rừng, sau tám năm thành lập, tỉnh có 8.272 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Tại buổi làm việc với tỉnh, đồng chí yêu cầu địa phương phải khẩn trương chấn chỉnh ngay; tổng kết, phân loại rừng, rà soát các loại đất, giải phóng đất sản xuất cho đồng bào, kể cả người di cư tự do. Quá trình đó, gắn liền với kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm rõ và xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm. Sau đó, Tỉnh ủy đã thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và dần dần trả lại màu xanh cho rừng Đắk Nông.

Đến đâu, làm gì, điều mong muốn cao nhất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là phải mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Dân còn nghèo thì không bao giờ mừng được. Trong niềm vui chung của cả nước đón chào Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, đồng chí vẫn gửi gắm đến toàn Đảng mong muốn ấy trong phát biểu tại phiên bế mạc: Không phải Đại hội xong là coi như xong. Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội.

Bình dị, mộc mạc giữa đời thường

Nói đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ai cũng nghĩ ngay đây là “người đốt lò vĩ đại” trong cuộc chiến chống tham nhũng với rất nhiều câu phát biểu đã trở thành “văn bia”: Lò nóng lên rồi thì củi khô, củi tươi cũng phải cháy; xử lý cán bộ vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ; kỷ luật một vài người để cứu muôn người, v.v. Với công việc, quyết liệt là vậy và đôi khi vì công việc mà ăn cơm dọc đường, nhưng trong đời thường, đồng chí là một con người bình dị, mộc mạc và thân tình.

Hôm đó, sau buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của thành phố Hà Nội về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đoàn lên đường ngay để kịp vào Hà Tĩnh theo chương trình đã định. Đồng chí cũng như các thành viên khác, mỗi người được phát một hộp cơm và chai nước lọc, dừng lại ăn dọc đường, rồi đi luôn. Xong việc, từ Hà Tĩnh quay về, mỗi người lại có trong tay một suất ăn như thế, thêm mấy khúc ngô luộc rất thơm ngon. Có lần vào Tây Nguyên cũng vậy, làm việc xong tại Lâm Đồng, trên đường đến Đắk Nông, Đoàn dừng lại ở một nhà khách của huyện, “tự biên, tự diễn” bữa ăn trưa và tuyệt đối “bí mật”, không cho cán bộ chủ chốt địa phương ra tiếp. Ai trong đoàn cũng thấy vui và rất thoải mái với những sinh hoạt đơn giản, để dành thời gian cho công việc, nhất là với cánh báo chí, điều ấy vô cùng quý, vì còn kịp viết tin, bài gửi về tòa soạn.

Hạnh phúc được đi cùng nhiều chuyến công tác, tôi thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gần gũi như người cha, học được nhiều điều hay từ cử chỉ, việc làm dù rất nhỏ. Cuối năm 2011, vào An Giang tìm hiểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trên đường đến thăm gia đình ông Tạ Văn Thái ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn thì trời bất ngờ đổ mưa. Theo phản xạ tự nhiên, một số anh em lôi cả giày dép đầy bùn đất chạy ào vào nhà. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến trước bậu cửa thì dừng lại tháo dày và đi chân trần vào, chỉ nhíu mày khi nhìn thấy các vết giày làm cho cái sàn nhà sáng bóng trở nên lem luốc. Mọi người đều ngượng ngùng, thấy mình thật vô ý. Đến với đồng bào ở nhiều vùng khác nhau, từ phía Bắc, đến miền trung, Tây Nguyên hay miền Tây Nam Bộ, tôi quan sát thấy, bao giờ trước khi vào nhà, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng để ý xem cách thức sinh hoạt, lối sống của gia đình như thế nào để “nhập gia tùy tục”. Cũng nội dung công việc ấy, nhưng khẩu khí, lời lẽ trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt ở tỉnh khác, nói chuyện với bà con khác, không dùng các câu văn bia trong nghị quyết mà nôm na, thân tình như người con đi xa trở về.

Đi đến đâu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng được đồng bào vây kín, đón chào với những tình cảm đặc biệt. Đó cũng là lúc nhiều phóng viên ảnh len vào để ghi lại khoảnh khắc ấy. Có lần thấy mấy anh bảo vệ, sợ mất trật tự, ngăn lại, đồng chí liền nhắc, cậu có nhiệm vụ của cậu, phóng viên cũng có nhiệm vụ của họ, để anh em người ta chụp chứ. Đã nhiều năm làm báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất am hiểu và thường chia sẻ kinh nghiệm với phóng viên, thậm chí có lần còn “tác nghiệp”, giúp chúng tôi. Đầu năm 2013, sang thăm Vương quốc Anh, Đoàn đến nơi đúng 100 năm trước Bác Hồ đã làm việc, đó là tòa nhà Niu Dilân ở số 80, phố Hây Makit, Luân Đôn. Con đường dẫn xuống tầng hầm khu nấu ăn mà Bác Hồ làm phụ bếp rất hẹp, cho nên khi chúng tôi đến nơi thì cuộc nói chuyện giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với vị cán bộ cấp cao địa phương đã diễn ra một lúc. Thấy nhóm phóng viên bối rối, đồng chí nói với vị chủ nhà những điều mình vừa nghe, nhưng thực chất là tóm tắt lại nội dung chính của câu chuyện hai bên đã trao đổi để phóng viên ghi lại. Và chỉ có chúng tôi mới biết thiện ý chân thành ấy của một nhà lãnh đạo như thế.

Sang nhiệm kỳ thứ ba là phóng viên chuyên trách, tôi học tập được ở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về cách làm báo hơn tất cả những gì học được ở trường lớp và đồng nghiệp. Trước hết đó là cách tiếp cận vấn đề - một phương pháp vô cùng quan trọng trong tác nghiệp. Trước mỗi sự việc, không vội vàng đưa ra chính kiến mà phải tìm hiểu, thẩm định thật kỹ lưỡng, xem nguồn gốc của sự việc do đâu mà ra; bản chất của vấn đề là gì; mối quan hệ của vấn đề với các hiện tượng, vấn đề khác theo chiều dọc thời gian, tức là so sánh với quá khứ, rồi theo chiều rộng không gian. Làm báo phải nhìn nhận vấn đề bằng cả sự tỉnh táo của lý trí, lật đi lật lại vấn đề, đồng thời phải nhìn bằng chính sự rung động của con tim nữa, có trách nhiệm với từng câu, từng chữ, không thể vô tâm, vô cảm, viết lấy được. Cách viết, cách thể hiện sao cho đúng mức, dễ đọc, gần gũi, không đao to, búa lớn, đặc biệt là không áp đặt, mà đồng cảm với nhân vật mình viết, để dễ đến với người đọc.

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu, tôi muốn dành những điều tâm huyết với nghề, trân trọng nhớ lại tình cảm, kỷ niệm không bao giờ quên với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm đã giúp tôi có những bài viết thiết thực trên báo Đảng.