A. Yersin - Nhà khoa học nổi tiếng nặng tình với Việt Nam

Bác sĩ A.Yersin gắn bó với mảnh đất Nha Trang như chính quê hương ruột thịt của mình. Đáp lại, người dân nơi này cũng thường trìu mến gọi ông là Ông Năm, theo cách gọi thân thiết của người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Một đoàn khách du lịch tham quan Bảo tàng bác sĩ A.Yersin. (Ảnh XUÂN THÀNH)
Một đoàn khách du lịch tham quan Bảo tàng bác sĩ A.Yersin. (Ảnh XUÂN THÀNH)

Suốt bao năm qua những đóng góp của bác sĩ A.Yersin vẫn luôn được chính quyền và người dân địa phương ghi nhớ và tôn vinh, cộng đồng xã hội cũng thường xuyên có các hoạt động, lan tỏa tinh thần nhân văn cao cả của ông.

Rất nhiều câu chuyện kể lại đã cho thấy sự hiện diện và gắn bó với mảnh đất Nha Trang từ rất sớm của bác sĩ A.Yersin. Ông có tên đầy đủ là Alexandre Emile John Yersin, sinh ngày 22/9/1863 tại miền Đông tổng Vaud, hạt Lavaux, tỉnh Morges, Thụy Sĩ.

Từ khi 15 tuổi, A.Yersin đã có khuynh hướng thiên về khoa học tự nhiên, đặc biệt là yêu thích sưu tầm, tìm hiểu các loại côn trùng. Những dấu ấn sở thích từ thuở ấu thơ đã thể hiện rất rõ trong sự nghiệp khoa học của A.Yersin sau này.

Ở tuổi 25, A.Yersin nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa, với luận án Étude sur le Développement du Tubercule Expérimental (Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm) có nhiều giá trị thực tiễn. Ông gia nhập Viện Pasteur ở Paris; là một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học lỗi lạc Louis Pasteur.

Làm công việc nghiên cứu khoa học, nhưng những chuyến đi, và những tấm bản đồ về Đông Dương đầy huyền bí đã khơi dậy trong ông niềm đam mê thám hiểm, muốn khám phá những vùng đất mới mẻ.

Và, khi biết chắc không thể thuyết phục A.Yersin ở lại Paris, chính Louis Pasteur đã viết thư cho Công ty Vận tải Hàng hải Messageries Maritimes đề cử A.Yersin làm bác sĩ trên tàu vận tải.

Như một cơ duyên, cả những chuyến đi, chuyến về, con tàu của A.Yersin đều dừng lại ở Nha Trang, một vịnh biển hoang dã, yên tĩnh và đầy nắng. A.Yersin nhanh chóng bị mảnh đất này mê hoặc.

Trong nhật ký của mình, ông dành cho Nha Trang bao nhiêu là mỹ từ, trìu mến như “vùng này có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục”, “màu sắc tươi đẹp của một vùng nhiệt đới, khí hậu vô cùng dễ chịu”...

Tháng 7/1891, A.Yersin xin thôi việc ở Công ty Vận tải Hàng hải Messageries Maritimes, quyết định ở lại với Nha Trang. Ông cho dựng một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn, nay thuộc phường Xương Huân, thành phố Nha Trang, vừa nghiên cứu khoa học vừa khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở đây.

Tôi đến thăm Bảo tàng A.Yersin ở số 10 đường Trần Phú, Nha Trang. Trong căn phòng rộng chừng 100m2 còn lưu giữ khoảng 1.200 hiện vật, gồm sách, những đồ vật thân thiết và thư từ, bút tích của bác sĩ A.Yersin trong suốt hành trình hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển nền y học thế giới.

Có điều rất đặc biệt là từ nhiều năm nay, không ít người đã tìm đến Nha Trang, thăm bảo tàng mang tên A.Yersin, như một cách thể hiện lòng biết ơn đối với một người từng được coi là “cứu tinh của nhân loại”, khi ông tìm ra trực khuẩn dịch hạch vào năm 1894, giúp nhân loại chặn đứng đại dịch “cái chết đen” hãi hùng thời đó.

Ghi nhớ công lao của ông, vi khuẩn gây dịch hạch được đặt tên là Yersinia pestis. Và, với kỳ tích tìm ra vi trùng dịch hạch, nghiên cứu bào chế thuốc điều trị và phòng bệnh dịch hạch, ông được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.

Ghi nhớ công lao của ông, vi khuẩn gây dịch hạch được đặt tên là Yersinia pestis. Và, với kỳ tích tìm ra vi trùng dịch hạch, nghiên cứu bào chế thuốc điều trị và phòng bệnh dịch hạch, ông được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.

Đến hôm nay, nhiều người vẫn truyền nhau những câu chuyện về Ông Năm trong những ngày sống ở Xóm Cồn. Đó là chuyện ông khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; chuyện người dân đến hỏi ông về tình hình thời tiết trước mỗi chuyến ra khơi, chuyện những trẻ em Xóm Cồn thường đến nhà ông chơi để được xem chiếu bóng, ăn bánh kẹo, học nói tiếng Pháp…

Trong hồi ký của mình, bác sĩ Kiều Xuân Cư, sinh năm 1919, kể rằng, trước năm 1942, ông cùng những người bạn học ở Trường tiểu học Phủ Diên Khánh thường xuống Nha Trang tắm biển ngày hè.

Có lần, Ông Năm dẫn cả nhóm lên sân thượng, ngắm mặt trời qua kính viễn vọng.

Chuyện kể, cũng nhờ kính thiên văn và một số thiết bị khác, giữa tháng 11/1939, Ông Năm dự báo có bão lớn nên vận động người dân Xóm Cồn đến nhà ông trú tránh an toàn.

Sau sự kiện đó, người dân Xóm Cồn gọi Ông Năm là “nhà tiên tri”, khi ông mất, đến mùa biển động, bà con khấn xin Ông Năm phù hộ, độ trì cho dân lành đi biển tai qua nạn khỏi.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, không chỉ có công sáng lập Viện Pasteur Nha Trang, bác sĩ A.Yersin còn có đóng góp quan trọng trong việc thành lập các Viện Pasteur ở Hà Nội, Đà Lạt cũng như quản lý hệ thống Viện Pasteur ở Đông Dương.

Không chỉ có công sáng lập Viện Pasteur Nha Trang, bác sĩ A.Yersin còn có đóng góp quan trọng trong việc thành lập các Viện Pasteur ở Hà Nội, Đà Lạt cũng như quản lý hệ thống Viện Pasteur ở Đông Dương.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang

Tháng 9/1990, Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm các hạng mục: Thư viện, Bảo tàng A.Yersin trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang; chùa Linh Sơn Pháp Ấn tại Suối Cát và Khu lăng mộ A.Yersin tại Suối Dầu.

Đến tháng 3/2023, nơi ở và làm việc của A.Yersin trên đỉnh Hòn Bà được bổ sung vào cụm Di tích lịch sử A.Yersin.

Cho tới nay, Ông Năm là người nước ngoài đầu tiên, duy nhất được nhân dân Nha Trang-Khánh Hòa tôn thờ trong chùa sau khi mất và được công nhận là Công dân Việt Nam danh dự.

Ghi nhớ công ơn ông, năm 1990 tỉnh Khánh Hòa cho phép thành lập Ban vận động Hội Những người ái mộ A.Yersin do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm trưởng ban vận động. Tháng 11/1992, Hội Những người ái mộ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa được thành lập.

Một trong những điểm nhấn hoạt động Hội là thành lập Phòng khám miễn phí A.Yersin.

Ngay sau khi thành lập, Phòng khám được các nhà khoa học, các thầy thuốc giàu nhiệt huyết và nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài chung tay xây dựng tổ chức, nhân sự và tài trợ để duy trì và phát triển hoạt động.

Đến nay, qua 30 năm hoạt động, Phòng khám bệnh từ thiện A.Yersin đã khám và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 150.300 lượt bệnh nhân, tính bình quân trị giá 150.000 đồng/đơn; tổ chức khám lưu động 9.960 lượt cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

A.Yersin mất ngày 1/3/1943, tại Nha Trang. Trong di chúc, ông viết: “Khi tôi chết, tôi ước muốn được chôn cất ở Suối Dầu... Hãy giữ tôi lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi”. Có chi tiết cảm động nữa là trong di chúc, ông đề nghị được chôn nằm úp xuống, như thể muốn ôm trọn mảnh đất đã quá nặng ân tình, không thể rời xa.

A.Yersin mất ngày 1/3/1943, tại Nha Trang. Trong di chúc, ông viết: “Khi tôi chết, tôi ước muốn được chôn cất ở Suối Dầu... Hãy giữ tôi lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi”.

Hơn 50 năm gắn bó với Nha Trang-Khánh Hòa, bác sĩ A.Yersin đã để lại vùng đất này nhiều di sản. Trong những năm qua, ngành du lịch Khánh Hòa đã nỗ lực đưa các di sản của ông vào phục vụ du lịch. Chẳng hạn như Chi hội Lữ hành Khánh Hòa mở tour du lịch “Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin”.

Nhưng, các đơn vị lữ hành cho rằng, tour du lịch về di sản văn hóa gắn với bác sĩ A.Yersin rất “kén” khách, bởi du khách quốc tế và Việt Nam chưa biết nhiều về A.Yersin.

Mới đây, sáng 22/9, Hội Những người ái mộ A.Yersin tổ chức lễ kỷ niệm 160 năm Ngày sinh của ông.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng trân trọng tri ân bác sĩ A.Yersin, người đã đến với Nha Trang, ở lại với đất và người Khánh Hòa với một tình cảm đặc biệt. Tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị triển khai thực hiện dự án xây dựng mới Bảo tàng A.Yersin tại khuôn viên trước đây là nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin.