Đọc sách: Alexandre Yersin - “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương”

Đọc sách: Alexandre Yersin - “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương”

NDO - “Alexandre Yersin-Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” là cuốn sách về những tư liệu quý của bác sĩ, nhà thám hiểm người Pháp Alexandre Yersin (1863-1943). Tác phẩm do Cao Hoàng Đan Thục dịch và NXB Trẻ ấn hành.

Độc giả hẳn đã biết đến tên tuổi Alexandre Yersin, nhất là ở Việt Nam khi tên ông được đặt cho nhiều con đường tại các thành phố và một bảo tàng nằm trong Viện Pasteur Nha Trang. Bởi vì ông là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học, người phát hiện ra trực khuẩn bệnh dịch hạch vào cuối thế kỷ XIX.

Nhưng Alexandre Yersin còn là một nhà thám hiểm, trong đó chuyến đi đặc biệt vào năm 1899 với Toàn quyền Paul Doumeur đến cao nguyên Lang-Bian được xem là cơ sở cho việc thành lập thành phố Đà Lạt sau này.

Đọc sách: Alexandre Yersin - “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” ảnh 1

(Ảnh: binhbanbook.com)

Cuốn sách kể trên, như tên gọi, với gần 200 trang giới thiệu với bạn đọc những ghi chép của ông theo từng chuyến thám hiểm, theo chủ đề. Đó là các phần: “Lần đầu tiếp xúc với xứ sở người Thượng ở An Nam”, “Từ Nha Trang đến Stung Treng, đi qua vùng đất người Thượng”, “Bảy tháng ở vùng đất người Thượng”, “Chạm trán với bọn cướp”, “Một tháng ở M’Siao”, “Lần đầu tiếp xúc với cao nguyên Lang-Bian”, “Từ Nha Trang đến Đà Nẵng, đi qua vùng đất người Thượng”.

Alexandre Yersin-một chân dung phong phú

Đúng như biên tập viên Matthias Huber viết trong bản in tại Thuỵ Sĩ năm 2016 thì cuốn sách cho thấy một chân dung phong phú về bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin.

Đọc sách: Alexandre Yersin - “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” ảnh 2

Trước hết về cuộc đời ông-một người mồ côi cha từ khi mới sinh ra và may mắn được mẹ chăm sóc cũng như gần gũi mẹ trong suốt cuộc đời mình. Bên cạnh đó là một Yersin nhà nghiên cứu, rồi Yersin nhà chăn nuôi, nhà nông học và cuối cùng là một Yersin con người độc đáo. Bạn đọc có thể đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được biết, Yersin ham học và ưa khám phá cho đến tận cuối đời.

Ông từng sở hữu một trong những máy thu thanh đầu tiên ở Đông Dương, hay chiếc ô tô Serpollet đầu tiên ở khu vực này. Ông cũng xây dựng một đài thiên văn trên mái nhà, quan tâm đến cả điện khí quyển… Dễ hiểu vì sao với vốn kiến thức phong phú và tinh thần ham hiểu biết như vậy, Yersin đã không ngừng thực hiện những chuyến thám hiểm đầy khó khăn tại những làng người Thượng ở cao nguyên Lang-Bian và khu vực lân cận.

Đọc sách: Alexandre Yersin - “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” ảnh 3

(Ảnh: giaoduc.edu.vn)

Những đóng góp khoa học đa dạng

Những làng mạc người Thượng (người dân tộc thiểu số), phong cảnh, phong tục đồng bào dân tộc trong từng cộng đồng… của xứ Lang-Bian và các vùng chung quanh cả trăm năm về trước được lưu giữ trong những trang viết của Yersin. Văn phong ngắn gọn như báo cáo thực tế, không hoặc ít có yếu tố bay bổng thể hiện cảm xúc, Yersin viết về những chuyến vượt núi băng rừng kỳ tích của ông không phải để công bố với công chúng mà cơ bản là để gây quỹ cho những chuyến thám hiểm tiếp theo.

Những ghi chép của ông có giá trị tư liệu trên nhiều lĩnh vực, từ dân tộc học với mô tả các nhóm dân tộc chưa được biết đến và phong tục, tập quán, ngôn ngữ của họ; đến những khám phá địa lý với việc điền vào chỗ trống nhiều địa hình trên bản đồ Đông Dương thuở ấy. Một thí dụ như, nhờ những bản ghi chép rõ ràng, Yersin đã biết được sông Đồng Nai bắt nguồn từ dãy núi Lang-Bian chảy đến tận Sài Gòn và sẽ là một con đường huyết mạch xuyên qua vùng này.

Đọc sách: Alexandre Yersin - “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” ảnh 4

Có thể tìm thấy rất nhiều trang viết kỳ thú về hành trình của Yersin khi vượt qua những con sông vùng cao nguyên, xuyên rừng trong sự rình rập của thú dữ và thậm chí đối mặt với bọn cướp đến nỗi bị trọng thương phải bỏ dở hành trình.

“Người lạ không được tiếp đón trong nhà của trưởng làng, mà ở trong nhà cộng đồng, cách xa làng một chút. Ở đó, người ta mang cho tôi nước, lửa, chiếu và những món quà mà người Thượng tặng một cách trang trọng cho người nước ngoài…”.

Việc thực hành di sản văn hóa đồng bào người Thượng cũng được mô tả chi tiết “Ở đây không có dàn cồng chiêng như xa hơn về phía bắc. Tuy nhiên, trong những sự kiện lớn, hai vị trưởng lão trong làng mỗi người treo một chiếc cồng từ vai trái của họ, dùng tay trái đỡ chỗ lõm của cồng và đánh bằng lòng bàn tay phải, nghiêng người về phía trước và quay đầu sang một bên. Một người khác ngồi xổm trước cái trống nhỏ, và đánh hòa theo tiếng chiêng”.

Vẫn có những trang viết của Yersin cũng không giấu được xúc cảm bởi vẻ đẹp tráng lệ của vùng đất này: “Tôi có ấn tượng sâu sắc khi vừa bước ra khỏi rừng thông, đối diện với một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và hoang vắng này, vẻ ngoài của nó gợi nhớ hình ảnh một vùng biển đang cuộn lên một đợt sóng lừng uốn lượn màu xanh lục. Dãy núi Lang-Bian nhô lên ở phía chân trời Tây Bắc của cao nguyên, làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật trên một hậu cảnh mỹ lệ”.

Đọc sách: Alexandre Yersin - “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” ảnh 5

Đọc “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” độc giả còn có dịp ngắm nhìn một vùng đất cao nguyên từ hơn một trăm năm trước qua những bức ảnh mà chính Yersin chụp và tự rửa. Ông được xem là người tiên phong chụp phong cảnh trong những điều kiện khắc nghiệt của chuyến thám hiểm dài hàng tháng trong rừng rậm! Và đó là lý do khiến biên tập viên Matthias Huber nhận định: “Ông là người đầu tiên ghi lại lối sống của người Thượng, văn hóa, làng mạc và một số phong tục của họ trước khi xã hội này tiếp xúc với nền văn minh phương Tây”.

Với những đóng góp như vậy, cuốn sách gọn gàng về Alexandre Yersin kể trên lại có thể mở ra một thế giới trải nghiệm đầy thú vị, bất ngờ về thiên nhiên, đời sống đồng bào nhiều nơi ở cao nguyên Lang-Bian cũng như những vùng đất chung quanh.

back to top